Nhìn chung, Quy chế 501 có nhiều nội dung mới so với Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự cũ (gọi tắt là Quy chế 35), trong đó đã tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát, đồng thời mở rộng đối tượng và phạm vi công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Cụ thể, đối tượng của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự là việc tuân theo pháp luật của Tòa án; cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; cơ quan quản lý thi hành án hình sự; cơ quan thi hành án hình sự; cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động tư pháp thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Quy chế.
Về phạm vi công tác kiểm sát cũng đã được quy định rõ ràng, có sự tách riêng giữa tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, đồng thời quy định thêm công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án. Theo đó:
- Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam bắt đầu từ khi có việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam vào cơ sở giam giữ và kết thúc khi chấm dứt việc tạm giữ, tạm giam;
- Công tác kiểm sát thi hành án hình sự bắt đầu từ khi bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án hình sự và kết thúc khi chấm dứt việc thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật;
- Công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được thông báo thụ lý hồ sơ đề nghị và kết thúc khi quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án có hiệu lực mà không có việc hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; đồng thời kiểm sát việc Tòa án gửi quyết định đó.
Mặt khác, một trong những nội dung mới quan trọng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hiện công tác kiểm sát về tính căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn tạm giữ, tạm giam, đó là: Khi phát hiện việc tạm giữ, tạm giam vi phạm về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu xử lý; đồng thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để chỉ đạo, phối hợp giải quyết. Khi Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phát hiện vi phạm của Tòa án nhân dân cấp cao về căn cứ, thủ tục hoặc thời hạn tạm giam thì ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm theo quy định tại Điều 5 và Điều 22 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; đồng thời gửi kiến nghị đến Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để theo dõi. Trường hợp, Tòa án nhân dân cấp cao không thực hiện kiến nghị, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cần chú trọng kiểm sát việc các cơ sở giam giữ có thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án trước khi hết thời hạn hay không để thực hiện việc kiến nghị khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam.
Quy chế 501 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.