Theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 89/1998 (đã được sửa đổi bổ sung một số Điều theo Nghị định số 98/2002) thì: Việc đưa người bị tạm giữ, tạm giam khỏi nơi giam, giữ chỉ được thực hiện khi có Lệnh trích xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự hoặc có văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này.
Cụ thể, khoản 2 Điều 21 quy định rõ: Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp dưới đây: Khi có quyết định của cơ quan quản lý trại giam đưa người bị kết án phạt tù đến trại giam; Khi có quyết định của Hội đồng thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình; Khi có quyết định của cơ quan thụ lý vụ án chuyển người bị tạm giữ, tạm giam đến nơi giam, giữ khác;…
Như vậy, sau khi xét xử sơ thẩm xong, trong thời hạn luật định, nếu bị cáo có đơn xin kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm đó thì thẩm quyền ra lệnh trích xuất và dẫn giải chỉ có thể là Tòa án (còn Tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh ra lệnh thì cần xem xét đến việc Tòa án cấp nào đang thụ lý).
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều lệnh trích xuất và dẫn giải trong trường hợp này đều do Trưởng Nhà tạm giữ hoặc Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự ký ban hành mà không hề thấy Tòa án ký. Từ đó khiến việc ra lệnh trích xuất, dẫn giải không đúng thẩm quyền theo quy định.
Một vấn đề đặt ra là, nếu Tòa án ra lệnh trích xuất và dẫn giải theo đúng quy định thì cơ quan nào sẽ tiến hành việc dẫn giải? Bởi chắc chắn một điều là Tòa án không có lực lượng cũng như cơ sở vật chất phù hợp để tiến hành dẫn giải. Mặt khác, từ trước đến nay, việc dẫn giải bị can, bị cáo chỉ do lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự, bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thực hiện.
Do đó, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần có những sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn, để việc trích xuất và dẫn giải được thực hiện nghiêm túc và thống nhất.