Thông báo về việc kháng cáo là một trong những nhiệm vụ của Tòa án cấp sơ thẩm được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sau đây viết tắt là BLTTDS), khi nhận được đơn kháng cáo hợp lệ của đương sự trong vụ án. Tuy nhiên, ban hành Thông báo về việc kháng cáo vào thời điểm nào là phù hợp, đúng quy định của BLTTDS? Đây là vấn đề còn nhiều cách hiểu và vận dụng không giống nhau trong thời gian qua của một số Tòa án cấp sơ thẩm. Trong phạm vi bài viết này, người viết nêu những vấn đề bất cập của BLTTDS quy định Thông báo về việc kháng cáo.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTDS thì: “Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo”.
Khoản 1 Điều 274 BLTTDS quy định: “Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định tại Điều 272 của Bộ luật này”. Theo Điều 272 BLTTDS thì đơn kháng cáo được xem là hợp lệ phải có những nội dung: ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo; kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo; chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTDS thì khi nhận đơn kháng cáo có đầy các nội dung theo Điều 272 thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, mà không bắt buộc đương sự kháng cáo có nộp biên lai thu tạm ứng án phí phúc thẩm cho Tòa án án cấp sơ thẩm hay chưa.
Tuy nhiên, tại Điều 276 BLTTDS lại quy định: sau khi nộp đơn kháng cáo hợp lệ, người kháng cáo phải tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm và phải nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Tòa án đã thông báo. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, nếu người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì coi như họ từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng. Nếu hết hạn 10 ngày, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nhưng không nêu rõ lý do việc nộp biên lai trễ hạn thì xem xét việc nộp biên lai trễ này giống như trường hợp xét kháng cáo quá hạn. Thủ tục xét kháng cáo quá hạn được thực hiện theo Điều 275 BLTTDS; trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm sẽ tiến hành các thủ tục do BLTDS quy định về kháng cáo. Như vậy, trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trể hạn vì lý do chính đáng thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện việc ban hành Thông báo về việc kháng cáo.
Khoản 1 Điều 277 BLTTDS thì quy định: sau khi nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải ban hành ngay Thông báo kháng cáo. Vấn đề đặt ra là:
- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành Thông báo kháng cáo, nhưng sau đó người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm hoặc nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Tòa án cấp sơ thẩm trễ hạn và Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận việc nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm vì không có lý do chính đáng thì Thông báo kháng cáo trước đó có đúng quy định hay không? Thông báo này sẽ xử lý thế nào?
- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành Thông báo kháng cáo nhưng người kháng cáo nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Tòa án cấp sơ thẩm trễ hạn và được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trể hạn vì lý do chính đáng, thì Tòa án cấp sơ thẩm sử dụng Thông báo kháng cáo đã ban hành trước đây hay phải thay đổi bằng một Thông báo kháng cáo khác?
Nếu xảy ra một trong hai trường hợp nêu trên thì Thông báo kháng cáo đã ban hành trước đó, Tòa án cấp sơ thẩm có phải thu hồi lại hay không? Trong khi Thông báo này đã gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo?
Căn cứ vào quy định của hai điều luật trên áp dụng vào thực tiễn sẽ gặp nhiều bất cấp về thời điểm ban hành Thông báo kháng cáo. Bởi vì: nếu đã ban hành Thông báo kháng cáo ngay sau khi nhận đơn kháng cáo hợp lệ nhưng sau đó người kháng cáo không nộp việc tiền tạm ứng án phí phúc thẩm hoặc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm không hợp lệ thì việc Thông báo kháng cáo không đúng; nếu đã ban hành Thông báo kháng cáo ngay sau khi nhận đơn kháng cáo hợp lệ, nhưng người kháng cáo nộp biên lai thu tiền trễ hạn và việc trễ hạn được chấp nhận thì Tòa án cấp sơ thẩm phải làm lại Thông báo kháng cáo.
Để phù hợp với thực tiễn áp dụng và tránh việc chồng chéo khi ban hành các thủ tục nêu trên, theo quan điểm của người viết thì cần hiểu và áp dụng các điều luật trên theo hướng như sau:
- Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ theo Điều 272 BLTTDS và biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn luật định, thì Tòa án cấp sơ thẩm mới ban hành Thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 277 BLTTDS.
- Trường hợp người kháng cáo nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Tòa án cấp sơ thẩm trễ hạn và việc nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trể hạn này được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận, thì Tòa án cấp sơ thẩm mới ban hành Thông báo về việc kháng cáo.
Với cách áp dụng điều luật theo hướng nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ thuận lợi trong việc ban hành Thông báo kháng cáo, nếu phát sinh trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo nhưng không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm hoặc thời hạn nộp tiền quá hạn luật định mà không được chấp nhận.
Tuy nhiên, đó chỉ là quan điểm của người viết, để áp dụng thống nhất những quy định trên cần phải có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.