Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng dân sự không quy định cụ thể về thời điểm đương sự phải gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Việc quy định này, là nhằm đảm bảo cho việc tiếp cận chứng cứ để thực hiện quyền tranh tụng của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời, Bộ luật tố tụng dân sự cũng không quy định phương thức sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác nên đương sự có quyền lựa chọn phương thức sao gửi khác nhau như: gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện… và đương sự phải chứng minh với Tòa án đã sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.
Quy định tại khoản 9 - Điều 70, khoản 5 - Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là những quy định mới, nhằm đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Do vậy, trong quá trình tố tụng, Tòa án phải giải thích cho đương sự để họ thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Trường hợp đương sự không thực hiện việc sao gửi tài liệu, chứng cứ thì Tòa án yêu cầu đương sự phải thực hiện. Trường hợp vì lý do chính đáng, không thể sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ theo quy định tại khoản 3 - Điều 196, điểm b - khoản 2 - Điều 210 BLTTDS.
Do vậy, nguyên đơn phải gửi bản sao đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ cho đương sự khác trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Cho nên, cần có hướng dẫn quy định rõ thời gian cụ thể về thời điểm và phương thức đương sự phải gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ và phương thức sao gửi để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự khác để áp dụng thống nhất về thời điểm và phương thức gửi trong tố tụng dân sự.