Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của Nhà nước, Bộ luật Hình sự quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có tình tiết quy định tại điểm n - khoản 1 - Điều 51 BLHS 2015 là người phạm tội là phụ nữ có thai, điều này xuất phát từ chính sách bảo vệ bà mẹ và trẻ em, trên tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Bởi vì người có thai bao giờ cũng có những biểu hiện khác thường về tâm lý, nhất là hoạt động về tinh thần: hay cáu gắt, hay bị xúc động, lo sợ,... Đối với một số tội như các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và một số tội xâm phạm trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính … thì tình trạng có thai của người phạm tội lúc gây án có ảnh hưởng đáng kể đối với hành vi thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử đặt ra việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này như thế nào cho phù hợp, đảm bảo được tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Theo hướng dẫn tại tại tiết 9, mục I Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử của Tòa án nhân dân tối cao quy định đối với tình tiết “người phạm tội là phụ nữ có thai” theo quy định tại điểm n - khoản 1 - Điều 51 BLHS 2015 thì không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với hướng dẫn như vậy đặt ra một vấn đề, ví dụ A tại thời điểm phạm tội đã mang thai (có đầy đủ giấy tờ chứng minh), sau đó bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức án khung hình phạt đến 07 năm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm là 10 năm và được áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng sau đó A bỏ trốn khỏi địa phương, 09 năm sau A về trình diện và khai báo hành vi phạm tội, sau đó bị xét xử theo quy định. Tại thời điểm xét xử thì A không mang thai nhưng có con được khoảng 09 tuổi. Nếu dựa trên tinh thần công văn của Tòa án tối cao thì Hội đồng xét xử được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “người phạm tội là phụ nữ có thai” theo quy định tại điểm n - khoản 1 - Điều 51 BLHS 2015.
Còn trường hợp B trong thời gian khởi tố vụ án hình sự có mang thai nhưng sau đó sảy thai (có giấy tờ chứng minh đầy đủ). Đến thời điểm xét xử thì B hoàn toàn không mang thai và không nuôi con nhỏ thì Hội đồng xét xử sẽ lập luận cho rằng: để hưởng tình tiết giảm nhẹ này thì điều kiện cần và đủ là người phạm tội phải là phụ nữ có thai, vì vậy trước khi tuyên án, nếu bị can, bị cáo đã mang thai và đến ngày xét xử thì sẽ được hưởng tình tiết này khi tuyên án và ngược lại, vào thời điểm áp dụng bị can, bị cáo đã sảy thai thì mặc nhiên không thể xem là phụ nữ có thai để áp dụng tình tiết này.
Chính vì vậy, dẫn đến một vấn đề bất cập không công bằng trong quá trình áp dụng pháp luật tình tiết giảm nhẹ trên đối với 02 trường hợp đều là người phạm tội là phụ nữ có thai.
Vấn đề trên mặc dù đã có hướng dẫn ở giải đáp vướng mắc của Tòa án nhân dân tối cao, tuy nhiên theo quan điểm cá nhân việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là phụ nữ có thai” chỉ nên áp dụng vào thời điểm thực hiện phạm tội sẽ phù hợp với chính sách nhân đạo của Nhà nước hơn, vì nếu áp dụng trong suốt cả quá trình từ khi phạm tội đến khi xét xử sẽ dẫn đến vấn đề nhiều người lợi dụng tình tiết này, đặc biệt đối với các vụ án phức tạp, kéo dài nhiều năm thì vẫn đề áp dụng tình tiết giảm nhẹ này sẽ phát sinh nhiều bất cập, gây lúng túng trong quá trình áp dụng.
Do đó, để áp dụng pháp luật thống nhất, thiết nghĩ Liên ngành tư pháp Trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn chung cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nêu cụ thể các trường hợp cần được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trên, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.