Mặc dù Thông tư liên tịch 01/2020, ngày 01/6/2020 của Liên ngành tư pháp Trung ương quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự về quản lý và giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ đã có hiệu lực một thời gian, tuy nhiên, đến nay quá trình tổ chức thực hiện và vận dụng vẫn còn có nhiều vấn đề chưa thống nhất. Cụ thể đối với các vụ án Trộm cắp tài sản, không xác định được đối tượng, không định giá được tài sản do không thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt, trước đây đã tạm dừng xác minh giải quyết, hiện nay còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì qua rà soát áp dụng hướng giải quyết theo quy định của Thông tư liên tịch 01/2020 như thế nào cho đúng vẫn còn nhiều điều gây tranh cãi.
- Quan điểm thứ nhất: Cho rằng các vụ việc trên cần áp dụng quy định tại khoản 1 - Điều 148 BLTTHS 2015 để tiếp tục tạm đình chỉ giải quyết. Khi nào hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mới ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 6 - Điều 5 - Thông tư liên tịch 01/2020.
Theo quy định tại khoản 6 - Điều 5 - Thông tư liên tịch 01/2020, có quy định như sau:
“6. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã tạm dừng giải quyết trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì cơ quan có thẩm quyền điều tra chủ động trao đổi, thống nhất bằng văn bản với Viện kiểm sát rà soát, phân loại và xử lý như sau:
a) Đối với những vụ việc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
b) Đối với những vụ việc còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.”
- Quan điểm thứ hai: Cho rằng đối với những vụ, việc liên quan đến trộm cắp tài sản, không thu hồi được tài sản, không xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì cần áp dụng các nguyên tắc có lợi cho người bị tố giác để tiến hành phục hồi giải quyết nguồn tin, sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Quan điểm này dựa trên các văn bản, tài liệu tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ do Liên ngành tư pháp Trung ương và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể:
Tại điểm b - tiểu mục 1 - mục I của công văn hướng dẫn liên ngành số 2010/HDLN, ngày 18/5/2021 giữa Bộ Công an và Vụ Thực hành quyền công tố và KSĐT án ma túy Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về việc giải đáp vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, vụ việc tạm dừng giải quyết có nêu như sau:
“ Đối với những vụ việc đã tạm dừng giải quyết theo quyết định 1319/QĐ-BCA, cơ quan điều tra cần chủ động trao đổi, thống nhất bằng văn bản với Viện kiểm sát. Đối với vụ việc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Đối với vụ việc còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Cơ quan điều tra phối hợp cùng Viện kiểm sát cùng cấp rà soát lại căn cứ tạm dừng giải quyết và xử lý như sau:
+ Những vụ việc có căn cứ tạm đình chỉ giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ và tiến hành quản lý, theo dõi theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT.
+ Những vụ việc không có căn cứ tạm đình chỉ giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS, Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi việc giải quyết về nguồn tin tội phạm và tiến hành giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thời hạn giải quyết được tính từ thời điểm ra quyết định phục hồi. Việc ra quyết định phân công mới chỉ đặt ra khi những người được phân công trước đây không thể tiếp tục giải quyết (nghỉ hưu, thay đổi vị trí công tác..).”
Ngoài ra, trong tài liệu giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự năm 2020 của Vụ 7 và Vụ 14 tại mục số 12 có nêu rõ: “Trong vụ án trộm cắp tài sản có tài sản không thu hồi được thì trước hết cần tiến hành xác minh, thu thập thông tin từ nơi bán tài sản đó (nếu có), đồng thời cơ quan tiến hành tố tụng cần cung cấp đầy đủ các tài liệu thu thập được về tài sản (hồ sơ tài sản) để Hội đồng định giá định giá tài sản theo quy định tại Điều 219 BLTTHS. Nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp tố tụng cần thiết mà vẫn không xác định được chính xác được giá trị tài sản thì áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo để xử lý vụ án.”
Theo quan điểm cá nhân cách xử lý của quan điểm thứ hai sẽ phù hợp hơn, bởi lẽ về nguyên tắc, trường hợp hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo nguyên tắc có lợi cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, ngoài ra, đối với các tội trộm cắp tài sản là cấu thành vật chất bắt buộc phải có thiệt hại tài sản xảy ra và phải có định lượng theo đúng quy định của Điều 173 BLHS 2015. Tuy nhiên, trong các vụ án trộm cắp không thu hồi được tài sản, bị hại cũng không cung cấp được tài liệu chứng minh nguồn gốc tài sản, không có nhân chứng chứng kiến trực tiếp, cơ quan chức năng cũng đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu thập các tài liệu liên quan đến tài sản nhưng không xác minh được, Hội đồng định giá tài sản cũng đã có văn bản kết luận về việc không thể kết luận được giá trị tài sản bị chiếm đoạt, chỉ dựa vào duy nhất một lời khai của bị hại về giá trị tài sản bị chiếm đoạt hoàn toàn không có căn cứ xử lý. Như vậy, trường hợp này không thuộc các trường hợp Tạm đình chỉ giải quyết theo quy định tại khoản 1 - Điều 148 BLTTHS 2015, cho dù có kéo dài thời hạn hơn nữa, cũng sẽ không thể xác định được giá trị tài sản bị chiếm đoạt để có hướng xử lý khác. Như vậy, nếu vẫn để các tin báo trên theo hướng tạm đình chỉ giải quyết thì một mặt không đúng theo quy định pháp luật, mặt khác làm cho tình trạng tin báo tạm đình chỉ tồn đọng ngày càng gia tăng không được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, theo quy định tại điểm b - khoản 6 - Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2020 thì những vụ việc còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được tiến hành giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (bao gồm ra quyết định khởi tố vụ án, không khởi tố vụ án hoặc tạm đình chỉ nếu có đủ căn cứ). Như vậy, quy định trên không bắt buộc phải tạm đình chỉ giải quyết như cách hiểu của quan điểm thứ nhất.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn về các vụ, việc tạm đình chỉ nhằm mục đích giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng qua nhiều năm những vụ án tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có căn cứ để ra quyết định đình chỉ nhưng chưa được đình chỉ, cũng như các vụ việc tạm dừng xác minh, tạm đình chỉ giải quyết đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhưng chưa ra được quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc áp dụng các quy định còn nhiều cách hiểu khác nhau, thiết nghĩ Liên ngành tư pháp cấp trên cần thống nhất hướng xử lý cho phù hợp để tránh tình trạng mỗi nơi, mỗi người làm một cách dẫn đến vi phạm tố tụng