Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của hoạt động bào chữa, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 đã có sự điều chỉnh theo hướng thu hẹp một phần phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm so với quy định tại BLHS năm 1999.
Điều 22 BLHS năm 1999 quy định:
“1. Người nào biết rõ tội phạm đang đựơc chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà , cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này.”
Theo quy định trên thì trách nhiệm hình sự của người bào chữa đối với hành vi không tố giác tội phạm được xác định như mọi công dân khác.
Điều 19 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“ 1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”
Đây là lần đầu tiên BLHS quy định về quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự của người bào chữa đối với hành vi không tố giác tội phạm.
Tại khoản 3 Điều 19 của BLHS 2015 đã quy định chặt chẽ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm. Theo đó, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa trong trường hợp người bào chữa không tố giác các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự (bao gồm: Điều 108-Tội phản bội Tổ quốc; Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Điều 110. Tội gián điệp; Điều 111. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Điều 112. Tội bạo loạn; Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Điều 115. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết; Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Điều 118. Tội phá rối an ninh; Điều 119. Tội chống phá cơ sở giam giữ; Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân) hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa./.