Do Trần Văn T vận chuyển trái phép 0,0888 gram Heroine thuộc trường hợp chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự (Heroine có trọng lượng dưới 0,1 gram) theo quy định tại điểm b tiểu mục 3.6 mục 3 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự nên Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện M căn cứ vào quy định: “Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt một trong các chất ma túy có số lượng được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.6 trên đây, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 194 BLHS” được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 3.7 mục 3 của Thông tư liên tịch số 17 nói trên để xem xét trách nhiệm hình sự đối với T.
Và xóa án tích được quy định tại Khoản 3 Điều 67 Bộ luật Hình sự. Cách tính thời hạn để xoá án tích căn cứ vào việc chấp hành xong bản án. Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.
Đến thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới, T vẫn chưa chấp hành xong án phí hình sự sơ thẩm, vì thế theo quy định Khoản 3 Điều 67 nói trên của Bộ luật Hình sự thì T vẫn chưa được xóa án tích. Tuy nhiên việc T chưa chấp hành là do Cơ quan thi hành án huyện M không nhận được bản án của Tòa án nhân dân huyện M, từ đó phát sinh nhiều quan điểm liên quan đến việc định tội của T.
Quan điểm thứ nhất cho rằng T vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì thực tế có nhiều bị án sau khi chấp hành xong hình phạt tù đã tự đến Cơ quan Thi hành án dân sự để đóng án phí mà không cần đến việc cơ quan Thi hành án phải ra quyết định thi hành. Vì điều này là bắt buộc T phải biết và phải đến cơ quan thi hành án để đóng án phí bởi T là người phải chấp hành các quyết định của bản án, đồng thời đó cũng là nghĩa vụ sống và làm theo Hiến pháp, pháp luật của mỗi công dân.
Quan điểm thứ hai cho rằng, T không phải chịu trách nhiệm hình sự vì theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Thi hành dân sự năm 2014 “Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”. Bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Luật này gồm bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Vì vậy Tòa án nhân dân huyện M đã vi phạm Khoản 1 Điều 28 Luật Thi hành dân sự năm 2014, dẫn đến Chi cục Thi hành dân sự huyện M không có cơ sở để ra quyết định thi hành án đối với 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bên cạnh đó, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Khoản 2 Điều 36 quy định “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;...”
Đối với án phí là thuộc trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án do tòa án chuyển đến, cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành. Chính vì việc không nhận được bản án nên cơ quan thi hành án không ra được quyết định thi hành án đối với 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm là lỗi của Tòa án nhân dân huyện M chứ không phải lỗi của T, do đó không xử lý trách nhiệm hình sự đối với T là phù hợp và điều này cũng có lợi cho T.
Nhận thấy, quan điểm thứ nhất cho rằng T phải có nghĩa vụ (tự giác) đóng án phí mà không cần cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành thì đó là trách nhiệm của công dân, nếu như đó là trách nhiệm của công dân thì trách nhiệm của Nhà nước còn phải cao hơn. Trong trường hợp này, căn cứ Điều 28, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 thì trách nhiệm thuộc về nhà nước, vì thế không thể lấy trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền để xem xét trách nhiệm hình sự đối với T. Tuy không thể nói vi phạm của Tòa án nhân dân huyện M trong trường hợp này dẫn đến bỏ lọt tội phạm, song nếu như việc thực hiện trách nhiệm đúng theo các quy định của pháp luật thì sẽ góp phần thực thi các quy định đó một cách đầy đủ, góp phần vào việc xử lý tội phạm có hiệu quả hơn.