Tác giả Hồng Quốc Vệ cho rằng: Điều 14 Bộ luật Hình sự quy định: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này ’’. Đối với số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc, người phạm tội không những “đã chuẩn bị” và còn đã mang đến nơi đánh bạc vào có ý định sẽ sử dụng vào mục đích đánh bạc, việc chưa đánh bạc được có thể do bị lực lượng chức năng bắt quả tang hoặc quá trình tham gia trước đó thắng nên chưa sử dụng hết toàn bộ tiền có dự định sẽ đánh bạc nên cần xác định “số tiền sẽ sử dụng vào mục đích đánh bạc” vẫn được tính vào số tiền đánh bạc.
Tuy nhiên tác giả Châu Văn Lộc không đồng tình với quan điểm trên và cho rằng: Nghị quyết 01/2010 hướng dẫn tội Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc hiện đã hết hiệu lực pháp luật nên cần áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành để xác định số tiền đánh bạc trong tội Đánh bạc. “Số tiền sẽ sử dụng vào mục đích đánh bạc” bản chất chưa sử dụng vào việc đánh bạc, việc người thực hiện hành vi phạm tội mới chỉ ở giai đoạn “chuẩn bị phạm tội”. Căn cứ các quy định về chuẩn bị phạm tội được quy định tại Điều 14 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội Đánh bạc trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nên “Số tiền sẽ sử dụng vào mục đích đánh bạc” sẽ không được tính vào số tiền đánh bạc.
Tác giả còn nêu quan điểm và ví dụ cụ thể để giải thích cho quan điểm của mình như sau:
- Một là, nếu xác định “tiền sẽ sử dụng vào mục đích đánh bạc” làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không công bằng đối với các đối tượng cùng chơi khác.
Ví dụ: có 4 người cùng chơi bài cào làm cái xoay vòng, có 3 mang theo 6.000.000 đồng, còn 1 người mang theo 50.000.000 đồng bỏ trong túi quần sẽ dùng đánh bạc, như vậy cả 4 người sẽ bị truy cứu theo khoản 2 Điều 321 BLHS. Như vậy 03 bị cáo còn lại phải chịu trách nhiệm chung với số tiền bị cáo kia mang theo trong người, suy cho cùng là chịu trách nhiệm với ý định phạm tội của bị cáo mang theo tiền nhiều.
- Hai là, nếu nói về nguyên tắc “không được dùng lời khai duy nhất của người phạm tội làm chứng cứ buộc tội” thì không xem “số tiền sẽ sử dụng vào mục đích đánh bạc” để truy cứu trách nhiệm hình sự thì phù hợp hơn. Bởi vì, chỉ có lời khai duy nhất của bị cáo là khai sẽ dùng tiền này để đánh bạc, không có chứng cứ nào khác là bị cáo có sử dụng hay không (bị cáo chưa rút tờ tiền nào trong một cọc tiền trong túi quần), nếu chỉ căn cứ lời khai của bị cáo mà chuyển khung hình phạt như vậy sẽ không vững chắc. Thực tế hiện nay, rất ít bị cáo khai mang tiền theo sẽ sử dụng để đánh bạc hết.
Qua nghiên cứu, cá nhân tôi có một số ý kiến với quan điểm của tác giả Châu Văn Lộc như sau:
Thứ nhất, về quan điểm cho rằng tiền sẽ sử dụng vào mục đích phạm tội chỉ là đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội nên theo quy định, người chuẩn bị phạm tội đánh bạc sẽ không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, ta cần hiểu trong trường hợp này là tội phạm đã và đang diễn ra chứ không phải mới ở giai đoạn “chuẩn bị”. Việc người chơi đánh bạc chuẩn bị sẵn tiền là để phục vụ cho việc đánh bạc của mình và nó diễn ra liên tiếp với hành vi đánh bạc đang hiện hữu. Nên ta không thể xem đó chỉ mới là chuẩn bị phạm tội. Nếu hiểu như vậy thì trong trường hợp số tiền đó được thu giữ trên chiếu bạc và có đủ căn cứ chứng minh số tiền đó sẽ được dùng vào việc đánh bạc thì số tiền đó sẽ trở thành tiền tang. Còn trường hợp cùng số tiền đó còn được giữ trong túi, trong bóp…thì nó chỉ được xem là “chuẩn bị phạm tội” và không được tính để xử lý thì cũng không công bằng.. Đơn cử như trường hợp A mang theo 50 triệu đồng mục đích là để đánh bạc, khi vào sòng bạc thì A lấy tất cả số tiền đó ra để dưới chân, trên chiếu bạc. A chỉ tham gia đánh được 01 ván với số tiền 500.000 đồng thì bị bắt quả tang cùng số tiền còn lại. A khai sẽ sử dụng hết số tiền này vào mục đích để đánh bạc nhưng chưa đánh được thì bị bắt. Đương nhiên trong trường hợp này ta phải tính số tiền còn lại chung với số tiền 500.000 là tiền dùng để đánh bạc để xem xét trách nhiệm hình sự đối với A. Vậy tại sao cũng trường hợp trên, nhưng khi số tiền đó được không bị thu trên chiếu bạc thì lại xem là “chuẩn bị phạm tội”, vậy thì nó không mang tính công bằng và có đúng với tinh thần của pháp luật không?
Về ý kiến tác giả cho rằng nếu tính chung số tiền thì sẽ không công bằng cho những người chơi khác. Tuy nhiên ta phải hiểu rằng chỉ tính chung khi các đối tượng cùng tham gia đánh bạc “với nhau”, còn những trường hợp đánh bạc khác thì tự chịu trách nhiệm với số tiền của mình bỏ ra. Trong trường hợp đánh bạc “với nhau” thì ta phải xem xét nó như là cùng đồng phạm với nhau. Các con bạc cùng ý chí với nhau để cùng thực hiện một hành vi. Do đó việc các đối tượng mang theo số tiền đánh bạc nhiều ít khác nhau nhưng không làm ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm hình sự của những người tham gia đánh bạc với nhau. Như ví dụ tác giả nêu ra thì trong trường hợp này mặc dù những người chơi khác mang theo số tiền ít hơn nhưng không thể xác định được việc những người đó chỉ chơi hết số tiền mang theo hoặc ăn được số tiền tương ứng số tiền mang theo thì không chơi nữa. Ta đều biết những người tham gia đánh bạc dù mang theo bao nhiêu tiền thì luôn nhắm đến những “túi tiền” của các người chơi khác, chơi bạc ai cũng muốn thắng chứ không bao giờ muốn thua. Nên việc buộc họ chịu chung trách nhiệm với toàn bộ số tiền đó là hoàn toàn phù hợp. Có chăng họ sẽ được xem xét trách nhiệm ở mức nhẹ hơn so với những người chơi với số tiền lớn hơn.
Tiếp theo, về quan điểm nếu tính số tiền sẽ sử dụng vào việc đánh bạc thì đây chỉ là lời khai duy nhất của người của đối tượng và nếu lấy lời khai đó làm chứng cứ duy nhất để buộc tội thì sẽ vi phạm nguyên tắc “không được dùng lời khai duy nhất của người phạm tội làm chứng cứ buộc tội”. Đúng là trong trường hợp này chỉ có một lời khai duy nhất của đối tượng về việc mình sẽ sử dụng bao nhiêu tiền để đánh bạc, làm gì có việc các con bạc khác biết, trừ trường hợp đối tượng nói trước khi vào sòng bạc (vị dụ như: Hôm này tao chơi hết tiền tao về, hôm nay tao chơi hết 5 triệu, 10 triệu….). Nhưng trong trường hợp này không phải chỉ có lời khai duy nhất mà chúng ta còn có một chứng cứ vật chất khác đó là số tiền thu giữ của đối tượng (ví dụ như A khai chỉ sử dụng 50 triệu đồng để đánh bạc mặc dù A mang theo 02 tỷ, thì khi đó chúng ta tiến hành thu giữ 50 triệu đồng và xem đó là vật chứng của vụ án, còn số tiền còn lại nếu không liên quan có thể trả lại). Khi ta kết hợp các chứng cứ này lại với nhau thì vừa có lời khai vừa có chứng cứ vật chất, nó sẽ là căn cứ vững chắc để xem xét trách nhiệm hình sự nên sẽ không vi phạm nguyên tắc “không được dùng lời khai duy nhất của người phạm tội làm chứng cứ buộc tội”.
Do đó, tôi đồng tình với quan điểm của tác giả Hồng Quốc Vệ về việc sẽ xác định “số tiền sẽ sử dụng vào mục đích đánh bạc” tính vào số tiền đánh bạc để xem xét trách nhiệm hình sự.
Trên đây là ý kiến trao đổi, rất mong được bạn đọc chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề nêu trên!