Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung 2017:
“1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
……………
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4………..”
Tác giả đã nêu ví dụ minh họa: Ngày 22/5/2009 Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân huyện T xử phạt 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 năm về tội “Đánh bạc” A chưa chấp hành nộp án phí và hình phạt bổ sung theo nội dung bản án. Ngày 10/01/2021 A có hành vi phạm tội Tổ chức đánh bạc, nhưng trước đó vào ngày 15/01/2020 A đã nộp án phí và hình phạt bổ sung, như vậy trường hợp của A đã được xóa án tích hay chưa?
Trên thực tế đã có hai quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất: A chưa được xóa án tích vì đương nhiên xóa án tích được tính kể từ ngày chấp hành xong toàn bộ bản án và không phạm tội mới trong thời gian quy định tại khoản 2 - Điều 70 Bộ luật Hình sự. Quan điểm này cho rằng quy định của Điều luật chỉ rút ngắn về thời hạn xóa án tích so với quy định của Bộ luật hình sự trước đó nhưng cách tính thời hạn xóa án tích bắt đầu từ ngày chấp hành xong hình phạt bổ sung.
- Quan điểm thứ hai: A đã được đương nhiên xóa án tích vì đã chấp hành xong hình phạt chính, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và hình phạt khác trước ngày phạm tội mới.
Tuy nhiên, quan điểm của người viết theo quan điểm thứ hai: Theo Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có giải đáp như sau:
Mục 1, điểm 10: “Khoản 2 Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn...”. Từ khi chấp hành xong bản án ở đây được hiểu là chấp hành xong tất cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung 2017, theo đó thời điểm để tính đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án.”
So với quy định tại khoản 2 Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999, quy định tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung 2017 là quy định mới có lợi cho người phạm tội, được áp dụng kể từ ngày 01/01/2018. Như vậy, trong hai quan điểm trên, quan điểm thứ hai là đúng, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung 2017. Tuy nhiên, cần lưu ý điều kiện để người bị kết án đương nhiên được xóa án tích quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung 2017 không thay đổi so với Điều 64 Bộ luật hình sự năm 1999.
Đối với giải đáp trên thì trong trường hợp trên, A đã được đương nhiên xóa án tích vì đã chấp hành xong hình phạt chính, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và hình phạt khác trước ngày phạm tội mới.
Trên đây là quan điểm của người viết, mong sự đóng góp ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp.