Trong bài viết, tác giả nêu lên hai quan điểm giải quyết đối với các tin báo Trộm cắp tài sản, không xác định được đối tượng, không định giá được tài sản do không thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt, trước đây đã tạm dừng xác minh, hiện nay còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Các vụ việc trên cần áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS 2015 để tiếp tục tạm đình chỉ giải quyết. Khi nào hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mới ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2020.
- Quan điểm thứ hai: Đối với những vụ, việc liên quan đến trộm cắp tài sản, không thu hồi được tài sản, không xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì cần áp dụng các nguyên tắc có lợi cho người bị tố giác để tiến hành phục hồi giải quyết nguồn tin, sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Tác giả đưa ra những giải thích để thể hiện sự đồng tình với quan điểm thứ hai. Qua nghiên cứu, tôi có một số trao đổi với tác giả như sau:
- Một là, tác giả cho rằng về nguyên tắc, trường hợp hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo nguyên tắc có lợi cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, “Nguyên tắc có lợi cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố” theo diễn giải của tác giả không được quy định trong hệ thống những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Các quyền và nghĩa vụ của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được quy định cụ thể tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, nhận định vì để có lợi cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, mà không xác định được đối tượng gây ra vụ việc, chưa thu hồi được tài sản, chưa đủ căn cứ giải quyết thì phải ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự là không có căn cứ.
- Hai là, tác giả cho rằng trộm cắp tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất, bắt buộc phải có thiệt hại tài sản xảy ra và phải có định lượng theo đúng quy định của Điều 173 BLHS 2015. Trong các vụ trộm cắp tài sản nêu trên, việc chỉ dựa vào duy nhất một lời khai của bị hại về giá trị tài sản bị chiếm đoạt là hoàn toàn không có căn cứ xử lý. Cho dù có kéo dài thời hạn hơn nữa, cũng sẽ không thể xác định được giá trị tài sản bị chiếm đoạt để có hướng xử lý khác nên cần ra quyết định không khởi tố vụ án.
Tuy nhiên, với đặc thù của các vụ án trộm cắp tài sản chưa xác định được đối tượng, chưa thu hồi được tài sản thì lời khai của bị hại là cơ sở ban đầu vô cùng quan trọng để xác định các vấn đề như: Loại, tính chất, giá trị, đặc điểm riêng biệt của tài sản bị chiếm đoạt, khoanh vùng đối tượng nghi vấn, thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện gây án… Bên cạnh đó điểm đ khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 30/2020 liên quan đến định giá tài sản cũng có quy định lời khai và hồ sơ tài liệu của bị hại liên quan đến tài sản là một trong những căn cứ định giá tài sản. Trên cơ sở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh, xác định tính xác thực của các thông tin mà bị hại cung cấp, củng cố chứng cứ trong vụ án nhằm đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết nguồn tin được đầy đủ, đúng pháp luật.
Khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa có đủ căn cứ giải quyết, Cơ quan điều tra chưa xác định được vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hay không, nhưng lại ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự ngay vừa không đảm bảo căn cứ theo quy định BLTTHS, vừa tiềm ẩn những yếu tố nhạy cảm về chính trị, xã hội, dễ vấp phải phản ứng không tốt trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, gia tăng nguy cơ bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Theo đó, việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự cần thiết phải đảm bảo một trong các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự chứ không thể tùy nghi, dựa trên suy đoán chủ quan, muốn kết thúc nhanh để tránh nguồn tin tạm đình chỉ bị tồn đọng.
* Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Trong trường hợp này, cần thiết phải báo cáo lãnh đạo để liên ngành tố tụng cùng cấp thụ lý giải quyết vụ việc họp bàn thống nhất hướng xử lý theo hướng đảm bảo việc tạm đình chỉ phải có căn cứ theo quy định BLTTHS và các văn bản hướng dẫn.
- Ba là, tác giả viện dẫn quy định tại điểm b, tiểu mục 1, mục I của Công văn số 2010/HDLN, ngày 18/5/2021 giữa Bộ Công an và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và tài liệu giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự năm 2020 của Vụ 7 và Vụ 14 tại mục số 12 để củng cố lập luận của mình.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định nhận thấy điểm b, tiểu mục 1, mục I của Công văn số 2010/HDLN hướng dẫn cũng căn cứ vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để quyết định việc xử lý theo quy định BLTTHS. Bên cạnh đó, mục số 12 trong tài liệu giải đáp những khó khăn, vướng mắc của Vụ 7 và Vụ 14 đề cập đến nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo trong vụ án trộm cắp tài sản có tài sản không thu hồi được, không nằm trong giai đoạn tin báo, không thuộc phạm vi vấn đề trao đổi.
Từ những phân tích ở trên, cá nhân tôi thống nhất với đường lối giải quyết theo quan điểm thứ nhất. Cụ thể như sau:
- Các vụ việc trên nếu chưa đủ căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm hay không và vụ việc đang tạm dừng giải quyết, thì liên ngành tố tụng thụ lý vụ việc cần thống nhất áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS 2015 để tiếp tục tạm đình chỉ xác minh.
Cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát có trách nhiệm phân công đầu mối theo dõi, quản lý hồ sơ vụ việc tạm đình chỉ; định kỳ (hằng tháng, 06 tháng, 01 năm) phối hợp rà soát các vụ việc tạm đình chỉ để đôn đốc phục hồi giải quyết khi không còn lý do tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2020.
- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là nội dung quan trọng, có ý nghĩa bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự và khoản 5 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2020.
Trong trường hợp đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản ra trình diện với cơ quan chức năng, khai nhận hành vi trộm cắp tài sản của mình hoặc thu hồi được tài sản, có căn cứ để định giá chính xác giá trị tài sản... mà thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn, tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố vẫn đang tạm đình chỉ xác minh thì hoàn toàn có căn cứ để phục hồi xác minh, giải quyết nguồn tin theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính toàn diện, khách quan.
Khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra trao đổi thống nhất với Viện kiểm sát ra Quyết định không khởi tố theo quy định tại khoản 5 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự và khoản 6 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2020.
* Khoản 6 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2020:
6. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã tạm dừng giải quyết trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì cơ quan có thẩm quyền điều tra chủ động trao đổi, thống nhất bằng văn bản với Viện kiểm sát rà soát, phân loại và xử lý như sau:
a) Đối với những vụ việc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
b) Đối với những vụ việc còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Tóm lại, việc ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định phục hồi, quyết định không khởi tố hay quyết định khởi tố vụ án hình sự nhất thiết phải tuân thủ các căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 147, 148 và 149 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 9 và Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2020 ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Qua đó, đảm bảo việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.