Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
“1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
3. Trong trường hợp có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”.
Theo đó, quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng tại khoản 2 Điều 54 của BLHS năm 2015 là một điểm mới tiến bộ, mang tính nhân đạo trong chính sách pháp luật hình sự, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án trong vụ án đồng phạm, đảm bảo việc quyết định hình phạt được phù hợp, tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của người phạm tội.
Trong nội dung bài viết, tác giả nêu lên một số quan điểm khác nhau về việc áp dụng khoản 2 - Điều 54 BLHS như sau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng, để được áp dụng khoản 2 - Điều 54 BLHS năm 2015 thì người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện của khoản 1 - Điều 54 BLHS, tức là có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 - Điều 51 BLHS năm 2015 và phạm tội lần đầu, giúp sức với vai trò không đáng kể.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, người phạm tội chỉ cần có 01 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 - Điều 51 và phạm tội lần đầu, giúp sức với vai trò không đáng kể, vì khoản 1 và khoản 2 - Điều 54 là hai quy định độc lập, bị cáo sẽ được áp dụng khoản 2 khi thỏa mãn điều kiện do luật định.
Tác giả đưa ra lập luận thể hiện sự đồng tình với quan điểm thứ nhất: Tác giả cho rằng khoản 2 Điều 54 không thể tách rời khoản 1 Điều 54 mà khoản 2 chỉ mở rộng thêm khoản 1 là “không bắt buộc phải trong khung liền kề”. Nếu phân tích như quan điểm thứ hai thì khoản 2 Điều 54 không cần thiết để cụm từ “không bắt buộc phải trong khung liền kề” mà chỉ cần 01 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 và phạm tội lần đầu, giúp sức với vai trò không đáng kể, thì sẽ được quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Như vậy, khoản 2 Điều 54 sẽ mâu thuẫn với khoản 1 Điều 54 BLHS.
Qua nghiên cứu, cá nhân tôi có một số quan điểm trao đổi với tác giả như sau:
- Thứ nhất, xét về mặt kỹ thuật xây dựng Bộ luật Hình sự, quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của BLHS thuộc hai trường hợp riêng biệt, độc lập nhau. Có thể thấy, quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS yêu cầu có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS – Là những tình tiết đã được liệt kê cụ thể để tránh tình trạng lạm dụng Điều 51 BLHS khi xét xử. Còn quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS lại hướng đến việc xem xét về nhân thân người phạm tội (Người phạm tội lần đầu) và xem xét đến vai trò, mức độ tham gia phạm tội (Người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể). Như vậy, khoản 2 Điều 54 hướng tới đề cao, coi trọng và nhấn mạnh căn cứ về nhân thân và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong việc quyết định hình phạt.
Bên cạnh đó, cách thức quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS càng khẳng định khoản 1 và khoản 2 Điều 54 là hai căn cứ độc lập, không bị phụ thuộc lẫn nhau, do đó việc áp dụng cần được nhìn nhận theo hướng tách biệt.
Khoản 3 Điều 54 BLHS quy định:
“3. Trong trường hợp có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung nhẹ nhất...”
Ngoài ra, nội dung tại khoản 2 Điều 54 cũng không có câu chữ thể hiện khi áp dụng khoản 2 phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 hay việc phải có tình tiết giảm nhẹ, nên trong trường hợp này, người phạm tội chỉ cần thỏa mãn đầy đủ các điều kiện là “Người phạm tội lần đầu” và là “Người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể” là có căn cứ để Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.
- Thứ hai, quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS mang tính nhân đạo và khoan hồng trong chính sách pháp luật hình sự, hướng đến tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án. Xét quá trình hình thành quy định tại khoản 2 Điều 54BLHS, có thể thấy: Thực tiễn áp dụng BLHS năm 1999, khi Tòa án xét xử đối với trường hợp lần đầu phạm tội, là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm, thì dù có xem xét, khoan hồng tối đa, Tòa án cũng chỉ được phép áp dụng hình phạt trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật, dẫn đến việc áp dụng hình phạt trong trường hợp này là quá nghiêm khắc, không thể hiện tối đa tính nhân văn của quyết định hình phạt. So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định nêu trên, cho thấy sự tiến bộ trong quá trình lập pháp hình sự của Nhà nước ta, đảm bảo tính khách quan và công bằng khi cá thể hóa hình phạt đối với từng bị cáo trong một vụ án; đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án đối với những trường hợp “người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”, nhưng lại bị đưa ra xét xử ở khung hình phạt nặng cùng với các đồng phạm khác. Đây không phải là việc áp dụng nguyên tắc có lợi thái quá, nhân đạo thái quá đối với người phạm tội. Việc hiểu và áp dụng như vậy mới thực sự đảm bảo tính nhân văn và khoan hồng “tối đa” và ý nghĩa đích thực của quy định này theo quan điểm của nhà làm luật.
- Thứ ba, quy định tại khoản 2 Điều 54 mang tính cụ thể, riêng biệt hơn cho vụ án đồng phạm nên cần được nhìn nhận một cách độc lập khi áp dụng. Tòa án “có thể” quyết định việc áp dụng trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện nội dụng vụ án, về vị trí, vai trò, mức độ tham gia, nhân thân của người phạm tội. Không thể nhận định do chỉ riêng việc áp dụng hình phạt trong khung liền kề nhẹ hơn theo quy định tại khoản 1 Điều 54 người phạm tội đã cần phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51; nên trong trường hợp hình phạt không bắt buộc phải trong khung liền kề nhẹ hơn nhất thiết cũng phải có điều kiện trên. Nếu cho rằng muốn áp dụng khoản 2 Điều 54, người phạm tội phải thỏa mãn thêm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 54 sẽ tạo ra rào cản cho việc áp dụng, không đảm bảo tính nhân văn và yêu cầu của chính sách hình sự nước ta trong quyết định hình phạt.
- Thứ tư, khoản 2 Điều 54 BLHS là một quy định mới để phù hợp với quy định tại Điều 58 BLHS, theo đó “Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm”. Đặc biệt là phù hợp với nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội tại Điều 3 BLHS, nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể so với những người phạm tội là người tổ chức, người xúi giục, người thực hành tích cực.
Từ những phân tích trên, quan điểm của tôi là việc áp dụng khoản 2 Điều 54 không phụ thuộc vào điều kiện quy định của khoản 1 Điều 54; có nghĩa là không nhất thiết người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS hay có một tình tiết giảm nhẹ nào khác, mà họ chỉ cần thỏa mãn điều kiện “Người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể” là Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung liền kề.
Tóm lại, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng quy định tại khoản 2 nói riêng và Điều 54 của BLHS năm 2015 nói chung là một điểm mới tiến bộ được kế thừa, sửa đổi, bổ sung từ quy định của các BLHS trước. Từ thực tiễn áp dụng cho thấy, quy định tại khoản 2 Điều 54 của BLHS còn bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, gây ra nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đối với trường hợp quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng đưa ra hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở cho việc hiểu và vận dụng thống nhất quy định pháp luật.