Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10. Ngày 17 tháng 06 năm 2010, Quốc hội thông qua và ban hành Luật nuôi con nuôi năm 2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Luật này quy định khá đầy đủ và rõ ràng về nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc nuôi con nuôi cũng như là điều kiện chấm dứt việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, trải qua hơn 8 năm thực hiện thì Luật nuôi con nuôi năm 2010 đã bộc lộ những bất cập cần phải được sửa đổi bổ sung, điển hình như quy định về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi quy định tại điều 25.
Cụ thể điều 25 quy định: Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.
Như vậy, theo quy định của điều 25 thì việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi cần phải đáp ứng được một trong bốn điều kiện trên. Trong đó, đáng chú ý là điều kiện được quy định tại khoản 1.
Trên thực tế có nhiều trường hợp yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi rơi vào điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 25, hầu hết các trường hợp này cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi và người được nhận nuôi đều có ý kiến thống nhất việc chấp dứt quan hệ nuôi con nuôi. Nhưng tại thời điểm các bên yêu cầu thì người được nhận nuôi lại chưa thành niên (theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người thành niên được xác định là người từ đủ mười tám tuổi trở lên). Trong khi đó, việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi là mong muốn của các bên và mang đến những tác động tích cực cho người được nhận nuôi.
Ví dụ: cha mẹ nuôi không còn khả năng chăm sóc cho người được nhận nuôi trong đó có giáo dục và học tập, mục đích của việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi là để cho người được nhận nuôi có một đời sống tốt hơn có được môi trường giáo dục, học tập tốt hơn.
Nhưng do người được nhận nuôi chưa thành niên nên đa phần Tòa án bác yêu cầu hoặc động viên các bên rút lại yêu cầu. Như vậy, là chưa phù hợp với thực tiễn và làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp của người được nhận nuôi.
Trên cơ sở đó, theo quan điểm của cá nhân, thì quy định tại khoản 1 Điều 25 phải được sửa đổi hoặc bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn nhằm đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi./.