Ví dụ minh họa: Vào khoảng 03 giờ ngày 16/12/2021 Nguyễn Duy Q - sinh năm 1945, điều khiển xe ô tô đi từ Thành phố Hồ Chí Minh về huyện Tân Hiệp, khi đến khu vực thuộc ấp VT, huyện VT do tránh xe mô tô đang chạy cùng chiều phía trước nên Q điều khiển xe ô tô chạy lấn sang phần đường bên trái để vượt lên. Khi vừa vượt qua khỏi xe mô tô thì Q nhìn thấy người đi bộ (không xác định được họ tên, địa chỉ) đang đứng ở đoạn giữa lộ gần dãy phân cách, do bất ngờ nên Q không xử lý kịp nên xe ô tô đã va chạm vào người đi bộ, hậu quả làm nạn nhân bị thương nặng và tử vong sau đó. Ở tình huống này, Q là người cao tuổi, đã có gia đình (có vợ và hai người con) nhưng hiện đang sống một mình, Q không thuộc diện người có công với cách mạng, Q đã bị khởi tố bị can về tội: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, vậy Q có được trợ giúp pháp lý hay không? Theo quan điểm của người viết thì đây không thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Vì tại Điều 7 Luật Trợ giúp phát lý năm 2017, quy định những người được trợ giúp pháp lý gồm:
1. Người có công với cách mạng.
2. Người thuộc hộ nghèo.
3. Trẻ em.
4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính, cụ thể: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.
Ngoài ra, người cao tuổi cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người cao tuổi là người có công với cách mạng,
+ Người cao tuổi là người thuộc hộ nghèo,
+ Người cao tuổi là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Người cao tuổi là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là người khuyết tật có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính;
+ Người cao tuổi là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính.
Đối với người cao tuổi (là người từ đủ 60 tuổi trở lên) điều luật đã quy định cụ thể phải có khó khăn về tài chính. Đối chiếu với quy định tại Điều 2 - Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và tại Điều 33 - Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Tư pháp ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý quy định rõ những giấy tờ cần có để chứng minh là người cao tuổi có khó khăn về tài chính.
Như vậy, trường hợp của Q không phải là người có công với cách mạng, không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, … không thuộc trường hợp có khó khăn về tài chính nên không được hưởng trợ giúp pháp lý.
Trên đây là quan điểm trao đổi về trường hợp người cao tuổi được trợ giúp pháp lý, rất mong được sự trao đổi và đóng góp của các đồng chí.
(Tài liệu tham khảo: Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23/11/2009; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội)