Hiện nay, theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 “Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:
1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
3. Trong trường hợp có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”.
Quy định này đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án đối với những trường hợp người phạm tội lần đầu, là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm nhưng bị xét xử ở khung hình phạt nặng cùng với đồng phạm khác. Đây là quy định thể hiện tính nhân đạo và khoan hồng của chính sách pháp luật hình sự, đảm bảo việc quyết định hình phạt phù hợp, tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ phạm tội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quan điểm khác nhau về việc áp dụng khoản 2 - Điều 54 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, để được áp dụng khoản 2 - Điều 54 BLHS năm 2015 thì người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện của khoản 1 - Điều 54 BLHS, tức là có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 - Điều 51 BLHS năm 2015 và phạm tội lần đầu, giúp sức với vai trò không đáng kể.
Quan điểm thứ hai cho rằng, người phạm tội chỉ cần có 01 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 - Điều 51 và phạm tội lần đầu, giúp sức với vai trò không đáng kể, vì khoản 1 và khoản 2 - Điều 54 là hai quy định độc lập, bị cáo sẽ được áp dụng khoản 2 khi thỏa mãn điều kiện do luật định.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất: vì khoản 2 - Điều 54 không thể tách rời khoản 1 - Điều 54 mà khoản 2 chỉ mở rộng thêm khoản 1 là “không bắt buộc phải trong khung liền kề”. Đồng thời theo quan điểm của tôi quy định tại khoản 2 - Điều 54 áp dụng cho các trường hợp phạm tội ở điều luật có nhiều khung hình phạt (từ 3 khung hình phạt trở lên). Tại vì khoản 2 - Điều 54 có kèm theo cụm từ “không bắt buộc phải trong khung liền kề” nên có thể từ khung 3 hạ xuống khung 1. Nếu điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung nhẹ nhất không còn khung nào khác để hạ thì sẽ áp dụng khoản 3 - Điều 54.
Ví dụ: Tội Cố ý gây thương tích: Nếu bị truy tố ở khoản 3 - Điều 134, người phạm tội nếu ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 - Điều 51 và phạm tội lần đầu, giúp sức với vai trò không đáng kể, sẽ được áp dụng hình phạt ở khoản 1 - Điều 134.
Mặt khác, nếu phân tích như quan điểm thứ hai thì khoản 2 - Điều 54 đâu cần thiết để cụm từ “không bắt buộc phải trong khung liền kề” mà chỉ cần 01 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 - Điều 51 và phạm tội lần đầu, giúp sức với vai trò không đáng kể, thì sẽ được quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Như vậy, khoản 2 - Điều 54 sẽ mâu thuẫn với khoản 1 - Điều 54.
Trên đây là ý kiến trao đổi của tác giả, rất mong được bạn đọc trao đổi quan điểm về vấn đề nêu trên!