Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng nếu đối tượng tác động của tội phạm đó là trẻ em, phụ nữ có thai và người đủ 70 tuổi trở lên. Tuy nhiên thực tế khi áp dụng tình tiết tăng nặng này còn nhiều khó khăn, mang tính tùy nghi. Vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn còn nhiều quan điểm đối lập, do đó việc áp dụng tình tiết tăng nặng này cho người phạm tội trong từng vụ án chưa có sự thống nhất. Thiết nghĩ, xoay quanh tình tiết tăng nặng này có hai vấn đề cần cân nhắc, xem xét kỹ trước khi áp dụng, đó là: mặc khách thể của tội phạm và mặc chủ quan của người phạm tội.
Tại mục 2 của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTPngày 12 tháng 05 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 đã hướng dẫn áp dụng tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 như sau: “… Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già” đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là trẻ em, phụ nữ có thai, người già…”.
Thứ nhất: Do Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 chưa có hướng dẫn về vấn đề này, vì vậy tinh thần của Nghị quyết trên nên xem xét tiếp tục áp dụng. Theo đó, cần áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên”với tất cả các trường hợp người bị hại là người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên, ngoại trừ lỗi vô ý và trường hợp tình tiết tăng nặng này đã được áp dụng là tình tiết định khung trong vụ án. Vì vậy, ngoài các loại tội có khách thể bị xâm phạm là quyền nhân thân của con người (như: tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín,…), thì các trường hợp tội phạm xâm phạm quyền sở hữu như các tội trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chiếm đoạt tài sản mà người bị hại là trẻ em, phụ nữ có thai, người già thì cũng cầnphải áp dụng tình tiết tăng nặng tương ứng.
Có quan điểm khác lại cho rằng chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng này khi khách thể bị xâm phạm là quyền nhân thân của con người, chỉ áp dụng khi chính tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín,… của người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên bị xâm phạm. Còn đối với khách thể là quyền sở hữu của con người như tội Trộm cắp tài sản, Cướp giật tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…, mặc dù bị hại là người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên thì cũng không nên áp dụng. Bởi vì đối tượng tác động của các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu là tài sản, còn đối tượng tác động đến các tội phạm xâm phạm nhân thân là “con người”, mà những người này được pháp luật Việt Nam đặc biệt quan tâm và bảo vệ, do đó chỉ khi nào tội phạm xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín,…của những người này thì mới chịu thêm tình tiết tăng nặng.
Ngoài ra còn có quan điểm rằng: Nếu người phạm tội xâm phạm đến quyền sở hữu, bên cạnh đó hành vi phạm tội còn ảnh hưởng hoặc đe dọa ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên thì cũng cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên”. Ví dụ: Người phạm tội cướp giật tài sản của phụ nữ có thai, quá trình thực hiện hành vi bị hại bị ảnh hưởng sức khỏe. Khi đó cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng đối với người phạm tội.
Do Nghị quyết số 01/2006 không hướng dẫn cụ thể khách thể bị xâm phạm nào cần áp dụng và khách thể nào không cần phải áp dụng,nên khi phát sinh một số vụ án về các tội xâm phạm quyền sở hữu, người phạm tội đã chiếm đoạt tài sản của người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên thì việc có nên áp dụng tình tiết tăng nặng này hay không sẽ trở nên lúng túng và khó khăn.
Thứ hai: Nghị quyết còn hướng dẫn chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng trên khi người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Do đó đối với người phạm tội trong trường hợp cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự,… của trẻ em, phụ nữ có thai, người già mới bị áp dụng tăng nặng.
Tóm lại: Tình tiết tăng nặng “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS trước đây đã được Tòa án nhân dân tối cao giải thích và hướng dẫn áp dụng. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tiễn vẫn còn có những cách hiểu khác nhau. Qua bài viết này, người viết đưa ra quan điểm khẳng định rằng, tình tiết tăng nặng này chỉ có thể áp dụng đối với các trường hợp tội phạm xâm đến phạm khách thể là quyền nhân thân, khi hội đủ 02 điều kiện: (1) Người thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý; (2) Đối tượng tác động của tội phạm là “con người” (người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên), qua đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho khách thể là tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tự do,… của người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên. Trường hợp hành vi phạm tội xâm phạm đến nhiều khách thể, thì cũng cần phải có khách thể bị xâm phạm là tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự,… của người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên.