“1. Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến.
Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này kèm theo hồ sơ vụ vi phạm. Trong trường hợp cần xác minh thêm quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hạn tối đa không quá 45 ngày”.
Trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định nêu trên là tương đối nhiều. Tuy nhiên, quá trình áp dụng quy định pháp luật để xử phạt hành chính đang có nhiều quan điểm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng không cần thiết phải lập biên bản vi phạm hành chính mới xử phạt được. Vì các lý do sau:
Thứ nhất, đây là vụ việc được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, không phải theo trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính. Các biên bản làm việc với đương sự được lập theo mẫu được pháp luật tố tụng hình sự quy định nên không có biên bản vi phạm hành chính.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì:
- Đối với trường hợp ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chỉ phải chuyển các quyết định kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (khoản 1) mà không phải chuyển biên bản vi phạm hành chính.
- Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến (khoản 2) chứ không phải căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính.
- Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được tính từ ngày nhận được các quyết định kèm theo hồ sơ vụ vi phạm (khoản 3) chứ không phải tính từ ngày lập biên bản như những trường hợp thông thường.
Thứ ba, vụ việc được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Từ khi bắt đầu tiến hành điều tra đến khi kết thúc điều tra là một quá trình lâu dài, nếu sau khi kết thúc điều tra và có quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự mới tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính sẽ không bảo đảm tính “kịp thời” theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Quan điểm thứ 2 cho rằng việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có biên bản vi phạm hành chính như vậy là không phù hợp với quy định pháp luật, bởi lẽ:
- Tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành năm 2012 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ…”.
- Tại khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên có thể nhận thấy, trừ hai trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì các trường hợp khác khi ra quyết định xử phạt hành chính phải trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính được lập với cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Hơn nữa, theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì biên bản vi phạm hành chính là một trong những nội dung chính trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu không có biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có căn cứ để ra quyết định xử phạt cũng như không xác định được hành vi vi phạm, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt…
Về quan điểm của người viết thống nhất với quan điểm thứ 2, đồng thời đề xuất một số giải pháp sau:
Cần bổ sung Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng trong trường hợp có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định đó kèm theo hồ sơ vụ việc và biên bản vi phạm hành chính, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Trong trường hợp người tiến hành tố tụng hoặc người đang giải quyết vụ việc không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với vụ việc đó thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc và đề nghị lập biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền lập biên bản theo quy định pháp luật để tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Sau khi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, nếu người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc thì cần chuyển ngay hồ sơ vụ việc, biên bản vi phạm hành chính và đề nghị xử phạt đến người có thẩm quyền xử phạt hành chính để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.