Kể từ ngày ban hành Nghị định 26/NĐ-CP ngày 02/03/2005 đến nay, quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xác định được giá trị các loại tài sản bị xâm phạm, chiếm đoạt tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá chính xác hành vi, hậu quả do tội phạm gây ra để truy cứu trách nhiệm hình sự, xác định cấu thành, các tình tiết định khung đối với hành vi của từng bị đối tượng; đảm bảo tính khách quan, xác thực và tính có căn cứ trong việc xử lý vụ án.
Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị định 26/NĐ-CP trong thực tế giải quyết các vụ án hình sự vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc. Nhất là trong các vụ án Hủy hoại tài sản và Cố ý làm hư hỏng tài sản. Cụ thể:
Khoảng 19 giờ 30 ngày 29/5/2017 Nguyễn Minh Trung sau khi uống rượu về đến quán cà phê Khánh Như thuộc ấp Thới Bình, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ thì gặp Dương Minh Tiến, Trung đòi 500.000 đồng do Tiến mượn trước đây, Tiến nói một lúc sau sẽ đem tiền đến trả nhưng Trung không đồng ý và kêu Tiến qua quán Thanh Ngọc kế bên quán Khánh Như để nói chuyện, khi Tiến qua quán Thanh Ngọc, Trung tiếp tục đòi tiền thì Tiến lấy ra 200.000 đồng đưa cho Trung và nói “một chút nữa sẽ trả đủ”, Trung không đồng ý lấy số tiền trên và chạy vào phía sau quán Thanh Ngọc cầm 01 con dao tự chế dài khoảng 60 cm có lưỡi bằng kim loại sắc bén đi ra, Tiến thấy vậy bỏ xe mô tô biển số 65K1-157.65 lại và chạy ra khỏi quán, sau đó Trung dùng dao chém nhiều nhát lên xe và đẩy xe của Tiến xuống mương nước đối diện quán Thanh Ngọc làm hư hỏng một số bộ phận trên xe.
Tại Bản kết luận định giá tài sản số 11/KL.HĐ-ĐG ngày 09/6/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự thuộc Uỷ ban nhân dân huyện Cờ Đỏ kết luận, một số bộ phận trên xe mô tô biển số 65K1-157.65 bị hư hỏng hoàn toàn, không sữa chữa phục hồi được, sau khi khấu hao thời gian sử dụng có tổng giá trị là 3.585.000 đồng.
Đối với ốp hông phải và bộ e của xe mô tô biển số 65K1-157.65 bị hỏng có thể sửa chữa phục hồi được nên Hội đồng định giá tài sản từ chối định giá phần thiệt hại (thiệt hại bao nhiêu % để quy ra tiền) mà định giá toàn bộ tài sản nguyên vẹn không bị hư hỏng, như vậy sẽ không xác định được giá trị tài sản bị xâm phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Lý do từ chối định giá vì Hội đồng định giá tài sản không có chức năng định giá thiệt hại tài sản.
Từ vụ án trên và một số vụ án khác, nhận thấy hiện nay đối với các tài sản bị hư hỏng hoàn toàn thì Hội đồng định giá chấp nhận định giá. Riêng đối với tài sản bị hư hỏng một phần thì Hội đồng định giá từ chối với lý do trên, như vậy việc xác định giá trị tài sản bị xâm phạm sẽ không chính xác, ảnh hưởng đến việc xác định cấu thành tội phạm, việc định khung hình phạt,...Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tương tự, do Hội đồng định giá từ chối định giá thiệt hại tài sản dẫn đến khó khăn trong xử lý tội phạm được.
Hội đồng định giá cho rằng Nghị định 26 và Thông tư 55 quy định về định giá tài sản, hai văn bản này không quy định về định giá thiệt hại tài sản nên Cơ quan tố tụng không có cơ sở pháp lý để yêu cầu Hội đồng định giá tài sản định giá phần tài sản bị thiệt hại.
Từ vướng mắc như trên thiết nghĩ, liên ngành tư pháp Trung ương cần xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Cần quy định định rõ cơ quan nào định giá thiệt hại tài sản, để áp dụng thống nhất, hạn chế bỏ lọt tội phạm.
Trong khi chờ hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tổ chức họp liên ngành với Hội đồng định giá tài sản thống nhất tìm cách giải quyết khó khăn nêu trên, để công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt hiệu quả hơn