Giải quyết các vụ án dân sự, đặc biệt là các vụ án liên quan tới quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, thì việc thẩm định tại chỗ và định giá đối với tài sản đang tranh chấp là cần thiết cho việc giải quyết vụ án; hồ sơ trích đo địa chính là một chứng cứ quan trọng để Tòa án làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án được chính xác, đúng quy định pháp luật. Chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là một trong những chi phí tố tụng. Vì vậy, việc Tòa án xác định chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá là chi phí tố tụng và thực hiện việc thu, chi liên quan đến hoạt động tố tụng này là đúng. Đa số các Tòa án đã áp dụng các nguyên tắc chung của Bộ luật tố tụng dân sự quy định về các chi phí tố tụng khác trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ và tính chi phí thực tế linh hoạt tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể giải quyết.
Điều 101, Điều 104 BLTTDS năm 2015 đã quy định xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là một trong những biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán tiến hành, có thể là theo yêu cầu của đương sự hoặc do Thẩm phán chủ động tiến hành khi xét thấy cần thiết và phải được thực hiện theo trình tự do pháp luật quy định, để đảm bảo tính khách quan, chính xác trong công tác thẩm định tại chỗ và định giá, các chi phí này do người thua kiện chịu. Tuy nhiên, trong lúc chưa xác định được ai là người thua kiện, Tòa án yêu cầu bên nguyên đơn hoặc người yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ và định giá đang gặp nhiều vướng mắc; chẳng hạn như, người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng đang gặp khó khăn về kinh tế hoặc hộ nghèo không có khả năng nộp tạm ứng thì không được xem xét giảm, miễn đối với chi phí này, trong khi Nghị quyết 326/2016/PL-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì người đang gặp khó khăn về kinh tế, hộ nghèo thì được miễn, giảm nộp tiền tạm ứng án phí và án phí. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 của BLTTDS năm 2015, nếu nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án. Từ đó có thể thấy, nếu nguyên đơn là hộ nghèo không có khả năng nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản thì quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng.
Việc Tòa án ấn định cho đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ định“là số tiền mà Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ” (Khoản 1 Điều 155 của BLTTDS năm 2015). Đồng thời “tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản là số tiền mà Hội đồng định giá tạm tính để tiến hành việc định giá tài sản theo quyết định của Tòa án” (Khoản 1 Điều 163 của BLTTDS năm 2015). Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết rõ ràng về trình tự thủ tục thu, chi liên quan đến loại chi phí này và mỗi lần thẩm định, định giá số tiền là bao nhiêu, nên việc ấn định số tiền tạm ứng thường theo ý chủ quan của Tòa án dẫn đến mỗi Tòa án thực hiện mỗi cách khác nhau.
Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, thiết nghĩ cần phải có văn bản pháp luật quy định đối tượng, điều kiện được giảm, miễn chi phí thẩm định tại chỗ, định giá tài sản; đồng thời quy định trình tự, thủ tục thu chi và số tiền cụ thể cho mỗi lần xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản trong tố tụng dân sự