Như vậy theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự đương sự có quyền rút lại đơn khởi kiện của mình. Tuy nhiên trên thực tế, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì lại phát sinh một số vướng mắc, cụ thể tại Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:
a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án….”
Tuy nhiên điều luật trên chưa đề cập đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Trên thực tế nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý; nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập kháng cáo giữ nguyên yêu cầu độc lập và yêu cầu kháng cáo thì trong trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào?
Có quan điểm cho rằng trong trường hợp này sẽ thay đổi địa vị tố tụng, nghĩa là nếu nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện và bị đơn đồng ý nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn giữ yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn. Tuy nhiên quan điểm này chưa có cơ sở bởi vì thay đổi địa vị tố tụng theo quy định tại Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 chỉ áp dụng cho giai đoạn xét xử sơ thẩm, còn giai đoạn xét xử phúc thẩm không có quy định về việc thay đổi địa vị tố tụng.
Cũng có quan điểm cho rằng trong trường hợp này Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đồng thời hướng dẫn người có quyền lợi , nghĩa vụ liên quan khởi kiện lại đối với yêu cầu của mình.
Vì chưa có hướng dẫn của cấp trên nên trên thực tế khi gặp trường hợp nói trên thì có nhiều cách giải quyết khác nhau, chưa có sự thống nhất. Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự thiết nghĩ liên ngành cấp trên cần có hướng dẫn cụ thể để giải quyết trường hợp vừa nêu.