Để tăng cường công tác quản lý đất đai, bảo vệ diện diện tích đất nông nghiệp, tránh tình trạng đầu cơ không nhằm mục đích tiến hành sản xuất nông nghiệp, pháp luật đất đai quy định các trường hợp bắt buộc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Qua thực tiễn áp dụng các quy định về xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã phát sinh một số bất cập. Bài viết tập trung phân tích một số hạn chế, bất cập khi thực hiện các quy định về xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, từ đó, đưa ra những khuyến nghị góp phần hoàn thiện các quy định xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
1. Khái quát chung về hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Cụm từ “Hộ gia đình” lần đầu tiên được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật năm 1981 “Người có anh, chị hoặc em ruột trong cùng một hộ gia đình là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ”[1], đến Luật Đất đai năm 1987, quy định “Hộ nông dân” và “Cá nhân” là một trong những đối tượng được Nhà nước giao đất. Các đạo Luật đất đai tiếp theo vào năm 1993 và năm 2003 không còn ghi nhận chủ thể là “Hộ nông dân” mà quy định là “Hộ gia đình” và “Cá nhân” cụ thể như sau: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài”[2] và“Hộ gia đình, cá nhân trong được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất”[3]. Như vậy, Luật đã quy định cụ thể hơn về quyền của hộ gia đình và cá nhân là các chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê, công nhận, nhận quyền sử dụng đất và chưa có quy định giới hạn phạm vi của các quyền này trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Song song đó tại Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng có quy định về “Hộ gia đình” như sau: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Theo đó, thành viên của hộ gia đình được xác định là có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung, trong đó có sản xuất nông nghiệp và là chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự.
Như vậy, trước năm 2013 pháp luật đất đai cũng như pháp luật dân sự không quy định cách xác định thành viên hộ gia đình, đây là hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật thời điểm đó và đã được Luật đất đai năm 2013 khắc phục bằng quy định tại khoản 29 Điều 3 như sau: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”, quy định này đã bao quát mối quan hệ của các thành viên của hộ gia đình là phải có mối quan hệ với nhau về hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, nhưng đồng thời phải đang sống chung, cùng sử dụng đất chung. Bên cạnh đó, tại khoản 30 Điều 3 của Luật này cũng đã giới hạn phạm vi của hộ gia đình và cá nhân trong việc sản xuất nông nghiệp: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”, bắt đầu từ quy định này Nhà nước đã có sự điều chỉnh về hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
2. Căn cứ xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Thông qua quy định của khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có thể nhận thấy để hộ gia đình, cá nhân được xem là trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thỏa mãn hai điều kiện: Một là, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp bằng một trong các hình thức như được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Hai là, hộ gia đình, cá nhân phải có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Về cơ quan có thẩm quyền xác nhận được quy định như sau[4]: (i) UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp; (ii) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp sau khi có văn bản xác nhận về việc sử dụng đất nông nghiệp của UBND cấp xã nơi có đất”. Như vậy, UBND cấp xã là cơ quan có thẩm quyền xác nhận để xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp theo hai trường hợp: Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân dù có nhiều hay ít diện tích đất nông nghiệp nhưng thuộc cùng địa bàn của xã ở nơi thường trú thì UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú xác nhận chung cả hai nội dung trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp; Thứ hai, hộ gia đình, cá nhân có nhiều diện tích đất nông nghiệp nhưng thuộc địa bàn xã khác thì do UBND xã nơi có đất xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó UBND nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận có nguồn thu nhập từ việc sản xuất nông nghiệp.
Có 04 căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định[5]: (i) Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận; (ii) Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội;(iii) Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại điểm a khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh; (iv) Trường hợp giao đất nông nghiệp cho cá nhân theo quy định tại Điều 54 Luật đất đai, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của cá nhân thì chỉ căn cứ quy định tại điểm b khoản này.
Có 04 căn cứ để xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định[6]: (i) Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận; (ii) Có ít nhất một thành viên của hộ gia đình không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội; (iii) Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại điểm a khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh; (iiii) Trường hợp giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình theo quy định tại Điều 54 Luật đất đai, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình thì chỉ căn cứ quy định tại điểm b khoản này.
Không phải bất cứ hộ gia đình, cá nhân nào cũng phải cần xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp mà theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 quy định các trường hợp cần phải xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất: (i) Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều 54 Luật Đất đai, pháp luật đất đai quy định hình thức Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân là giao đất có thu tiền và giao đất không thu tiền sử dụng đất; (ii) Đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất lúa của hộ gia đình, cá nhân việc quy định hộ gia đình, cá nhân phải có xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp là điều kiện bắt buộc khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất lúa nhằm bảo vệ diện tích đất trồng lúa, đảm bảo nguồn lương thực quốc gia; (iii) Công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, khi hộ gia đình, cá nhân chưa được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm,… là điều kiện bắt buộc hộ gia đình, cá nhân phải có xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; (iv) Thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân mà cần xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ [7] nhằm xây dựng chính sách tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng nay bị thu hồi hất đất sản xuất nhận được các hình thức bồi thường, hỗ trợ thích hợp để có thể chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm. Vì vậy, việc xác định đối tượng trực tiếp sản xuất có liên quan đến việc xác định đối tượng thuộc diện được hỗ trợ đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi.
3. Bất cập về việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
3.1. Về căn cứ xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Việc quy định các căn cứ xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau:
- Đối với cá nhân: Tại Điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 33/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 quy định cá nhân “không thuộc thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên” thuộc một trong bốn căn cứ xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là có phần chưa phù hợp với thực tiễn và thu hẹn phạm vi quy định của khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013. Bởi thực tế, không phải tất cả các đối tượng hưởng lương thường xuyên đều phải làm việc theo khung giờ hành chính, tức là làm việc 8 tiếng/ngày, mà có một số người không hoàn toàn sử dụng toàn bộ quỹ thời gian của mình để thực hiện công việc. Cụ thể như các viên chức công tác ở các đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện họ có thể tham gia công tác một buổi và thời gian còn lại họ tham gia sản xuất nông nghiệp, đồng thời họ cũng có nguồn thu nhập thực tế từ sản xuất nông nghiệp từ đất nông nghiệp đã được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển nhượng từ trước khi pháp luật đất đai có các quy định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, về căn cứ cá nhân phải “có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp” tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017, trên diện tích đất nông nghiệp cá nhân đang sử dụng, kể cả trường hợp không có nguồn thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh. Cũng tương tự trường hợp cá nhân “không thuộc thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên”, cho thấy quy định chưa bao quát hết các chủ thể trên thực tiễn. Bởi, với mục tiêu là hạn chế việc đầu cơ, thu gom đất nông nghiệp của Nhà nước, nhưng quy định này chỉ hướng tới người đang sử dụng đất nông nghiệp mà bỏ sót người có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp thật sự. Cụ thể là trường hợp học sinh, sinh viên hoặc những người có công trình nghiên cứu khoa học được công nhận cấp, mong muốn đầu tư sản xuất nông nghiệp và cần nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc nhận tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp từ gia đình để thực hiện. Trong khi đó, những người này, không thuộc trường hợp đầu cơ hưởng lại, thu gom đất nông nghiệp mà thật sự có nhu cầu và có điều kiện đầu tư sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển nền kinh tế chung của đất nước.
Vì vậy, đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp cần sửa đổi căn cứ “không thuộc thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên” thành căn cứ “không thuộc đối tượng làm việc theo khung giờ hành chính”, và bổ sung quy định “có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trừ một số trường hợp như hợp học sinh, sinh viên, những người có công trình nghiên cứu khoa học được công nhận”.
- Đối với hộ gia đình: Tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 quy định một trong 04 căn cứ xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp là có ít nhất 01 thành viên của hộ gia đình “không thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội”. Theo đó, để được xem là hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp chỉ cần 01 người không thuộc thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội, điều này chưa phù hợp với khái niệm hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp theo tinh thần của pháp luật về đất đai. Bởi, hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp phải là những người phải có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, đồng thời họ còn phải đang chung sống và có quyền sử dụng đất chung. Do vậy, nếu hộ gia đình chỉ có ít một thành viên không thuộc thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội và những thành viên còn lại đều thuộc đối tượng theo quy định trên thì chưa thể gọi là hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp mà thành viên đó chỉ là cá nhân sử dụng đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc cá nhân với tư cách là thành viên hộ gia đình và tư cách cá nhân độc lập thì quyền và nghĩa vụ không có sự giống nhau, ví dụ, khi thành viên của hộ gia đình với tư cách cá nhân thì không được quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa nhưng với tư cách là thành viên của hộ gia đình thì lại được quyền này. Hậu quả của việc này sẽ dẫn đến thực hiện không đúng quy định của pháp luật đất đai về điều kiện quy định không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp. Từ đây, cho thấy sẽ có sự không công bằng giữa các chủ thể nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể là đất trồng lúa. Vì vậy, cần thiết sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 như sau: “Có từ hai thành viên của hộ gia đình không thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội và không làm việc theo chế độ giờ hành chính”.
3.2. Về thẩm quyền xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 33/TT/BTNMT ngày 29/9/2017 khi thực hiên các thủ tục liên quan đến “đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân” và “công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân” việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, Văn phòng đăng ký đất đai gửi văn bản đề nghị xác nhận cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú của hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp đất của hộ gia đình, cá nhân không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì Văn phòng đăng ký đất đai gửi văn bản đề nghị xác nhận cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để xác nhận.
Quy định Ủy ban nhân dân nơi thường trú xác nhận thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi đất ở nơi khác dẫn đến việc xác nhận chưa thật sự khách quan, còn mang tính hình thức. Bởi, nơi đăng ký thường trú của hộ gia đình, cá nhân không thực sự nắm được hộ gia đình, cá nhân có nguồn thu nhập từ đất nông nghiệp cụ thể như thế nào nhưng vẫn phải xác nhận trên cơ sở xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất. Thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân dù có sở hữu đất nông nghiệp nhưng nguồn thu nhập chủ yếu của họ có thể từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Mặt khác, một trong những căn cứ quy định cho phép hộ gia đình, cá nhân vì lý do khách quan như thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh mà không có thu nhập thường xuyên vẫn thuộc trường hợp được xác nhận. Như vậy chỉ có UBND cấp xã nơi quản lý đất mới nắm được lý do và có cơ sở xác nhận tình trạng này đã xảy ra tại địa bàn mình quản lý. Đến đây, vấn đề đặt ra, trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhiều đất nông nghiệp ở nhiều nơi thì UBND nơi có đất nào sẽ xác nhận. Theo tác giả, trường hợp thì cho phép hộ gia đình, cá nhân tự kê khai và tùy vào mục đích xin xác nhận của hộ gia đình, cá nhân mà tự chọn nơi nào diện tích đất nông nghiệp phù hợp với mục đích cần xác nhận để yêu cầu UBND cấp xã đó xác nhận. Cụ thể: Hộ gia đình, cá nhân có đất ở nhiều nơi cần xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thì có thể chọn nơi có đất nhiều nhất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận tặng cho quyền sử dụng đất thì yêu cầu UBND cấp xã xác nhận.
Qua vấn đề này, đề xuất sửa đổi quy định của khoản 2 điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 như sau: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có đất khác nơi đăng ký thường trú thì UBND cấp xã nơi có đất xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ đất đó nghiệp; xác nhận lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn dịch bệnh cho hộ gia đình, cá nhân không có thu nhập thường xuyên”. Đồng thời, có thể bổ sung quy định “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có đất ở nhiều nơi thì tùy vào mục đích xin xác nhận mà hộ gia đình, cá nhân tự quyết định nơi nào có diện tích đất nông nghiệp phù hợp với mục đích cần xác nhận để yêu cầu UBND cấp xã đó xác nhận”.
3.3. Về trình tự, thủ tục xác nhận hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa
Theo điểm b khoản 4 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 quy định “Đối với trường hợp thực hiện thủ tục quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, Văn phòng đất đai có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của hộ gia đình, cá nhân” và tại đoạn cuối của Khoản này quy định “UBND nơi có đất có trách trách nhiệm gửi văn bản xác nhận cho UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của hộ gia đình, cá nhân”. Từ quy định này cho thấy hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thực hiện yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất lúa, sau đó liên hệ nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa (cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận). Tiếp theo, Văn phòng đăng ký đất đai gửi văn bản yêu cầu UBND cấp xã xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, hồ sơ nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của bà M, ngày 06/7/2020 Văn phòng đăng ký đất đai VT có công văn gửi UBND dân xã TT về việc xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, ngày 07/7/2020 UBND xã TT có công văn trả lời bà M trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp (Công văn số 326/CNVPĐKĐĐ ngày 06/07/2020 và Công văn số 216/UBND ngày 07/7/2020). Từ đây, sẽ có cách hiểu “ngầm” là Văn phòng đăng ký đất đai xem xét và thống nhất hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhận từ sản xuất nông nghiệp thì UBND cấp xã mới dám xác nhận.
Tuy nhiên, thực tế trong việc thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân có cách hiểu như sau: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp muốn nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa, thì trước tiên cần phải xác định khi hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện theo quy định về nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa hay không. Nếu đủ điều kiện thì hộ gia đình, cá nhân mới thực hiện thủ tục tiếp theo là yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng, công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa và thủ tục sau cùng là đăng ký theo quy định của pháp luật đất đai. Theo trình tự thực hiện như vậy mới đảm bảo việc nhận chuyển nhận, tặng cho không bị rủi ro cho hộ gia đình cá nhân chuyển nhượng, tặng cho và nhận chuyển nhượng, tặng cho, đồng thời sẽ đảm bảo hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho không bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật theo Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 và các bên không chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định của pháp luật dân sự.
Mặt khác, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014, khi yêu cầu công chứng hợp đồng người yêu cầu công chứng phải có các giấy tờ kèm theo, trong đó cần phải có “Bản sao các giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 191 Luật đất đai; khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017; điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017, quy định việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp là quy định bắt buộc khi hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Cho nên, khi yêu cầu công chứng hộ gia đình, cá nhân hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa cần phải xuất trình giấy tờ xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trong hồ sơ thì mới đảm bảo đủ cơ sở để tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng. Nếu không có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì có thể xem hồ sơ yêu cầu công chứng chưa đầy đủ theo quy định, trường hợp tổ chức hành nghề công chức vẫn công chứng các hợp đồng sẽ tìm ẩn rủi ro về hợp đồng sẽ bị vô hiệu nếu chủ thể bên nhận không có quyền nhận theo quy định. Có nghĩa là, việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp phải được thực hiện trước khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa mới phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.
Từ các phân tích này, đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 như sau: “Đối với trường hợp thực hiện thủ tục quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, hộ gia đình, cá nhân có đơn đề nghị xác nhận đến UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của hộ gia đình, cá nhân; Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có đất khác nơi đăng ký thường trú thì UBND cấp xã nơi có đất xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ đất đó nghiệp; xác nhận lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn dịch bệnh cho hộ gia đình, cá nhân không có thu nhập thường xuyên”.
4. Kết luận
Thực tế yêu cầu xác nhận trực tiếp sản xuất và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là rất nhiều và cần thiết, yêu cầu đặt ra cho việc hoàn thiện về việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vừa phải mang tính đúng đắn vừa phải phù hợp với thực tiễn và vừa tổ chức thực hiện hiệu quả. Trên cơ sở đánh giá pháp luật, chỉ ra những hạn chế, bất cập, nội dung bài viết đã đưa ra những kiến nghị nhằm hướng đến việc hoàn thiện pháp luật về xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp mang tính hợp lý hơn, giúp cho người dân thuận lợi trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, đồng thời, cũng là tiền đề để các địa phương áp dụng pháp luật một cách hiệu quả nhất.
[1] Khoản 6, Điều 29, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981
[2] Điều 1 Luật Đất đai năm 1993
[3] Điều 9 Luật Đất đai năm 1993
[4] Khoản 2 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai
[5] Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 33/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 29/9/2017 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai
[6] Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 33/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 29/9/2017 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai
[7] Phan Trung Hiền: Những điều cần biết về bồi thường, hổ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, trang 226.