Qua thực tiễn giải quyết các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc và nghiên cứu các quy định pháp luật có liên quan đối với các tội danh trên, tác giả nhận thấy có vướng mắc trong việc xử lý vật chứng của vụ án như sau:
Đối với số tiền thu giữ trên chiếu bạc trong quá trình truy bắt các đối tượng đang đánh bạc thông thường được giải quyết như là vật chứng của vụ án. Tuy nhiên số tiền này qua làm việc nếu các đối tượng có liên quan thừa nhận có để lại tại chiếu bạc thì xử lý như vật chứng của vụ án là phù hợp, nhưng nếu các đối tượng không ai thừa nhận đã để lại tiền trên chiếu bạc và Cơ quan điều tra không thể chứng minh số tiền trên là của ai thì việc xử lý số tiền này như thế nào?
Ví dụ: Vào ngày 25/10/2018, Hồng Công K. đang tham gia đánh bạc dưới hình thức lắc tài xỉu thắng thua bằng tiền cùng với 06 đối tượng khác thì bị Công an bắt quả tang. Trong quá trình thu giữ những vật chứng có liên quan thì Công an thu giữ tại chiếu bạc được tổng số tiền 28.000.000 đồng. Trong đó Hồng Công K. khai đem theo 2.000.000 đồng, cùng 06 đối tượng còn lại mỗi đối tượng chỉ đem theo 1.000.000 đồng để đánh bạc, vậy tổng số tiền dùng để đánh bạc là 8.000.000 đồng, còn 20.000.000 đồng có được giải quyết như tiền dùng để đánh bạc hay không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Số tiền 28.000.000 đồng được thu giữ tại chiếu bạc nên số tiền này được xem là vật chứng của vụ án nên căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 47 Bộ luật hình sự tịch thu xung quỹ nhà nước, cơ quan điều tra không cần thiết phải điều tra làm rõ số tiền trên là của ai.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “vật chứng của vụ án là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Trong vụ án này cơ quan điều tra không chứng minh được số tiền 20.000.000 đồng là của ai nên không được xem là vật chứng của vụ án. Việc áp dụng Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 47 Bộ luật hình sự để tịch thu xung quỹ nhà nước là không phù hợp. Do đó, cần xem số tiền 20.000.000 đồng là tài sản vô chủ, cần phải thông báo tìm chủ sở hữu trong thời gian nhất định, nếu quá thời hạn không ai đến nhận thì sau đó mới tịch thu xung quỹ nhà nước.
Thông qua bài viết này, tác giả nêu lên khó khăn khi xử lý vật chứng trong các vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc, trong thời gian tới cần có hướng dẫn để việc xử lý vật chứng được phù hợp hơn.