Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành đã ban hành nhiều quy định theo hướng tăng cường nhiệm vụ và quyền hạn của Công an cấp xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, qua đó phát huy vai trò của lực lượng này trong việc cùng với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Cùng với sự mở rộng vai trò của Công an cấp xã, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã trở thành vấn đề quan trọng cần được Viện kiểm sát nhân dân các cấp quan tâm thực hiện, nhằm đảm bảo việc tiếp nhận mọi nguồn tin tội phạm được thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật.
1. Quy định pháp luật về hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã
Khoản 1 Điều 17 Luật Tổ chức Công an nhân dân năm 2018 quy định: Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã) là một bộ phận thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó có quy định “Xây dựng công an xã, thị trấn chính quy”, Bộ Công an đã triển khai mô hình bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện đúng pháp luật.
Hiện nay, hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật như sau:
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
- Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015;
- Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/20201);
- Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; và Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 11 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC;
- Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân; và Thông tư số 129/2021/TT-BCA ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA.
Nếu tại khoản 3 Ðiều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định Công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an, thì tại khoản 1 Ðiều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an). Cụ thể: “…3. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
Bên cạnh đó, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng sửa đổi, bổ sung Ðiều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 để bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quy định pháp luật. Cụ thể: “1. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền...”.
Trên cơ sở các quy định của Luật, ngày 29/11/2021, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017 để tổ chức, triển khai thực hiện. Tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021 đã sửa đổi khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017 theo hướng quy định chi tiết các hoạt động mà Công an cấp xã được tiến hành trong từng trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; đồng thời quy định rõ các trường hợp về thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền sau khi tiếp nhận. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, các hoạt động Công an cấp xã được quyền thực hiện khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm bao gồm:
- Đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn: Công an cấp xã lập biên bản tiếp nhận, báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; tổ chức ngay lực lượng đến bảo vệ hiện trường, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng hoặc những người có liên quan; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
- Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp nêu trên: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Thứ hai, các trường hợp về thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Nếu Thông tư liên tịch số 01/2017 chỉ quy định chung thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là không quá 24 giờ hoặc không quá 48 giờ (đối với xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn) kể từ khi tiếp nhận, thì Thông tư liên tịch số 01/2021 đã quy định chi tiết hơn thời hạn chuyển nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã gắn với hai trường hợp cụ thể:
- Đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn: Thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền là không quá 24 giờ hoặc không quá 48 giờ (đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn) kể từ khi tiếp nhận.
- Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp nêu trên: Thời hạn kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền là không quá 07 ngày. Trong quá trình giải quyết, nếu phát hiện tố giác, tin báo thuộc trường hợp phải chuyển trong thời hạn không quá 24 giờ hoặc không quá 48 giờ như đã nêu ở trên thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phải chuyển tố giác, tin báo về tội phạm trong thời hạn này mà không được đợi hết 07 ngày mới chuyển tố giác, tin báo về tội phạm.
- Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm hoặc cần tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám xét hoặc trưng cầu giám định ngay: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải báo ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của Thông tư liên tịch 01/2021.
Như vậy, việc pháp luật hiện hành cho phép Công an cấp xã có những nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Công an cấp xã trong bối cảnh lực lượng này đang dần được “chính quy hóa”, từ đó giúp giảm tải khối lượng công việc cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền, tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiến hành việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm được kịp thời, thuận lợi và đúng pháp luật.
2. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã
Viện kiểm sát nhân dân có chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Trong đó, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 như sau: “Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật”.
Mặc dù, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa ghi nhận Công an cấp xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, pháp luật lại trao cho Công an cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận, “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm. Trong khi đó, hoạt động tiếp nhận, “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã là một dạng của hoạt động tư pháp, thuộc giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm trong tố tụng hình sự. Do đó, việc tuân theo pháp luật trong công tác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giữ vai trò tiên quyết để đảm bảo mọi hành vi phạm tội, người phạm tội đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, tránh bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Chính vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân phải có trách nhiệm trong việc kiểm sát chặt chẽ hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
Theo điểm đ khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021 quy định: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an.”. Như vậy, hiện nay để có thể kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm về tội phạm của Công an cấp xã, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thể tiến hành bằng cách phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an cấp huyện trong hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
Mặt khác, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy định cụ thể nào giao cho Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát hoạt động tiếp nhận, “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. Vì vậy, Viện kiểm sát không thể trực tiếp nắm bắt và khó có thể kiểm sát được đầy đủ việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, từ đó kịp thời có biện pháp tác động, giải quyết khi phát hiện sai phạm. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn gặp khó khăn, vướng mắc, kéo dài trong trường hợp Công an cấp xã đã tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nhưng chậm làm thủ tục chuyển tố giác, tin báo về tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đồng thời, điều này còn tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, người phạm tội trong trường hợp Công an cấp xã từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc tiếp nhận nhưng không vào sổ thụ lý, không chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, theo quan điểm cá nhân tôi, cần thực hiện các giải pháp như sau:
Thứ nhất, pháp luật cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp xã trong tố tụng hình sự; Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã; Quy định chi tiết trách nhiệm thông báo việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã cho Viện kiểm sát, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát nắm bắt và theo dõi chặt chẽ hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo đơn vị; Tăng cường công tác triển khai, quán triệt các quy định pháp luật về hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đến đội ngũ cán bộ, công chức kiểm sát; Nghiêm túc thực hiện các quy định của Bộ luật, Luật, Thông tư liên tịch, Thông tư, các Quy chế, Quy chế phối hợp liên ngành và các quy định pháp luật khác có liên quan trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Thứ ba, cán bộ, công chức Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải nêu cao tinh thần chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp kiểm sát, sử dụng có hiệu quả, triệt để các quyền năng của Viện kiểm sát trong việc quản lý nguồn tin về tội phạm nhằm đảm bảo cho việc giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm có căn cứ, đúng pháp luật. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, qua đó quản lý tốt, kịp thời hơn các nguồn tin tội phạm phát sinh trong xã hội.
Thứ tư, cán bộ, công chức Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải vận dụng tốt cơ chế phối hợp với Cơ quan điều tra trong công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Công an cấp xã, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm ngay từ cơ sở. Theo đó, Kiểm sát viên cần chủ động phối hợp với Điều tra viên tăng cường kiểm tra, theo dõi việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, kiên quyết không chấp nhận việc bỏ lọt các tố giác, tin báo về tội phạm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Cơ quan điều tra hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng Công an cấp xã để lực lượng này hiểu rõ và thực hiện đúng quy định pháp luật về tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền, về thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm, về các kỹ năng khi tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm…
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức kiểm sát trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm. Mỗi cán bộ kiểm sát cần thường xuyên nghiên cứu, học hỏi để nhận diện đầy đủ những vi phạm xuất hiện trong hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kịp thời ban hành các kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan nghiêm túc thực hiện đúng quy định pháp luật.
Thực tiễn cho thấy, chất lượng của hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có tính chất quyết định đến hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân. Chính vì thế, việc kiểm sát chặt chẽ hoạt động tiếp nhận nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã – Hoạt động đầu tiên khởi động quy trình giải quyết vụ án hình sự, là vấn đề hết sức quan trọng, cần được Viện kiểm sát nhân dân các cấp quan tâm nghiên cứu, triển khai thực hiện, đảm bảo mọi hành vi phạm tội, người phạm tội đều phải được xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay./.
Ngọc Thảo - Phòng 2
Nguồn tin: VKSND TP. Cần Thơ