Khởi tố 16 vụ án hình sự, 26 bị can trong năm 2023 về tội phạm tham nhũng, chức vụ trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tăng 09 vụ, 21 bị can, hơn 2 lần so với năm 2022, sự gia tăng tội phạm lĩnh vực này cần được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, có tội danh khởi tố sự điều chỉnh của pháp luật hình sự là khác nhau giữa khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước.
Kiểm sát viên kiểm sát khám xét vụ án tham nhũng. Ảnh: Hồng Ngọc
Tội phạm phát sinh trong năm qua, từ các hành vi tham ô tài sản, giả mạo trong công tác, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…
Về nguyên tắc pháp luật hình sự cho phép mở rộng phạm vi xử lý hình sự khu vực ngoài nhà nước ở các tội phạm tham nhũng, chức vụ.
“Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ:
1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, cụ thể hành vi phạm tội, thì Bộ luật Hình sự chỉ mở sang khu vực ngoài nhà nước đối với 04 tội danh: tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Cụ thể trong từng điều luật quy định tại khoản 6 các Điều 353, Điều 354 , Điều 364 và Khoản 7 Điều 365 do lộ trình nội Luật hóa pháp luật hình sự Việt Nam khi Việt Nam chính thức là thành viên Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng cần từng bước thực hiện phù hợp với đặc thù của quốc gia. Tương ứng với quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
“...
2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
a) Tham ô tài sản;
b) Nhận hối lộ;
c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.”
Từ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng thời gian qua, các hành vi phạm tội tham nhũng lĩnh vực ngoài nhà nước đang có chiều hướng gia tăng, với mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của hành vi tham nhũng trong khu vực tư, đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh hơn để xử lý vấn đề này của thực tiễn. Bởi lẽ, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ luôn trên tinh thần chung nhất là phải xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng. Đồng thời, để bảo đảm cùng hành vi như nhau phải cùng được định tội danh thống nhất, không phân biệt khu vực nhà nước hay khu vực ngoài nhà nước.
Các đối tượng là giám đốc doanh nghiệp ngoài nhà nước, được cấp giấy chứng nhận thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, đã thực hiện hành vi ký các giấy Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với cần cẩu mà không thực hiện kiểm tra, kiểm định thực tế cẩu…cho chủ phương tiện để thu lợi bất chính, xét về bản chất đối tượng thực hiện hành vi giả mạo trong công tác, nhưng vì chủ thể phạm tội thuộc khu vực ngoài nhà nước, khi xử lý hình sự chỉ có thể áp dụng Điều 341 Bộ luật Hình sự để xử lý tội phạm, do vậy chưa đúng với bản chất hành vi phạm tội.
Đối với các vụ án tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, khi người phạm tội thuộc khu vực ngoài Nhà nước bị khởi tố về các hành vi trên không thể xử lý hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với người đứng đầu có lỗi trong việc để xảy ra tội phạm như các chủ thể khu vực nhà nước. hoặc đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện các hoạt động tư vấn công ty thẩm định giá, tư vấn lập dự toán, tư vấn thẩm tra dự toán...thực hiện không đúng quy định gây hậu quả nghiêm trọng đến mức xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ thể được tư vấn nhưng không chứng minh được đồng phạm thì không thể xử lý được tội danh khác.
Vì vậy, để kịp thời điều chỉnh tình hình thực tiễn tội phạm phát sinh, cần mở rộng xử lý hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đối với các tội danh thuộc Chương XXIII- Các tội phạm về chức vụ.
Để thực hiện điều này cần sửa đổi Bộ luật Hình sự, đồng thời sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 để phù hợp với quy định pháp luật hình sự, nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu khu vực ngoài nhà nước để xảy ra tham nhũng, thất thoát tài sản doanh nghiệp và là căn cứ xử lý nghiêm người đứng đầu né tránh trách nhiệm phù hợp với chủ trương của Đảng, Bộ luật Hình sự, Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng và Luật phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Phạm Thị Hồng Ngọc
Phòng 1, VKSND TP Cần Thơ