Với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định tại Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Điều 6 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam có trách nhiệm bảo đảm pháp luật chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất. Việc tạm giữ, tạm giam và hoạt động quản lý thi hành tạm giữ tạm giam được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người tạm giữ, tạm giam không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ; mọi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam và hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam, trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong thời gian qua cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trại tạm giam Công an thành phố Cần Thơ thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật góp phần tích cực trong việc đấu tranh có hiệu quả với các loại vi phạm, tội phạm góp phần giữ vững trật tự trị an, an toàn xã hội trên địa bàn. Để công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an thành phố Cần Thơ ngày càng chất lượng, hiệu quả, xin nêu lên một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy chế Ngành về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Chỉ thị công tác kiểm sát của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch kiểm sát hàng năm của đơn vị.
Hai là, trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm phải đề ra những nội dung, chỉ tiêu , biệp pháp cụ thể: Kiểm sát thường kỳ, kiểm sát hàng quý, toàn diện 6 tháng, 01 năm…; nâng cao trách nhiệm kiểm sát ngày, tuần để từng bước nâng cao chất lượng cuộc kiểm sát, trên cơ sở đó đánh giá chất lượng công tác của đơn vị, cá nhân.
Ba là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về nghiệp vụ, nhằm xử lý kịp thời, chính xác, đúng pháp luật các vụ việc phát sinh trong quá trình kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam.
Bốn là, cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải tự mình học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Nắm vững những quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện kiểm sát có hiệu quả và chất lượng.
Năm là, định kỳ hàng tháng, phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự, Tòa án để rà soát việc ra, gửi bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, các quyết định về Thi hành án của Tòa án để kịp thời phát hiện những bản án, quyết định không được thi hành, hoặc thi hành chậm.
Sáu là, chủ động phối hợp công tác giữa kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự với các khâu công tác khác trong ngành, với các cơ quan, đơn vị hữu quan có chức năng, nhiệm vụ trong quản lý giam giữ và thi hành án hình sự để kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý vụ việc có hiệu quả. Các đơn vị cấp trên, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cấp dưới. Tăng cường phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới trong việc TTKS. Thông qua đó, cán bộ, Kiểm sát viên và cả lãnh đạo đơn vị cấp dưới nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả, các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ phục vụ công tác.
Bảy là, tăng cường kiểm sát định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện những vi phạm, tồn tại để kịp thời kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục để đảm bảo, chế độ, chính sách và các quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tám là, bố trí cán bộ, kiểm sát viên phục trách công tác này phải là người có kinh nghiệm kiểm sát, kiến thức về pháp luật tố tụng hình sự và thi hành án hình sự; tận tâm, tỉ mỉ và trách nhiệm với công việc, kịp thời phát hiện và tham mưu giải quyết các vụ việc phát sinh; bố trí đầy đủ lực lượng cán bộ, kiểm sát viên phụ trách kiểm sát phù hợp với tình hình thực tế, khối lượng công việc.
Chín là, tăng cường phối hợp giữa Viện kiểm sát các cấp, giữa các bộ phận của Viện kiểm sát cấp huyện cũng như các phòng nghiệp vụ. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự theo quy chế, quy định ngành.
Mười là, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên (bồi dưỡng tại chỗ hoặc tập huấn theo yêu cầu của Viện kiểm sát tối cao); cần phải có hội nghị tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu đối với cán bộ kiểm sát viên làm công tác này ở 2 cấp kiểm sát để giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên có điều kiện nghiên cứu nắm chắc các quy định của pháp luật, tiếp cận, học hỏi các kinh nghiệm thực tiễn, từ đó bổ sung, hoàn thiện những kỹ năng cần thiết; cần phải có chính sách khuyến khích cán bộ nâng cao nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quan tâm chính sách đào tạo cán bộ trẻ, trong diện quy hoạch.
Mười một, ký kết quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát -Tòa án - Cơ quan Thi hành án hình sự, tổ chức họp giao ban định kỳ để đánh giá kết quả công tác trong tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Sau cuộc họp, thành phố ban hành thông báo kết luận chỉ đạo của Lãnh đạo liên ngành gửi đến các cơ quan của 2 cấp để triển khai thực hiện.
Trung Thu, Phòng 8
VKSND TP Cần Thơ