Kiến nghị là thẩm quyền pháp lý mà pháp luật giao cho Viện kiểm sát, theo quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các đạo luật về tố tụng, Viện kiểm sát có quyền ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật đối với những hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.
Có thể nói kiến nghị không chỉ là quyền mà còn là nhiệm vụ phải thực hiện, làm tốt công tác này góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của Ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp tại địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ luôn xác định công tác kiến nghị trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện tốt.
Trong 06 tháng đầu năm 2025, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thành phố Cần Thơ đã ban hành 14 kiến nghị phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật và 31 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác giải quyết vụ việc, vụ án hình sự. Các kiến nghị của Viện kiểm sát đều có căn cứ, đúng quy định pháp luật do đó được các cơ quan hữu quan có văn bản chấp nhận tiếp thu, khắc phục vi phạm; góp phần đảm bảo việc điều tra, xét xử được đầy đủ, toàn diện, không có trường hợp nào phải đình chỉ điều tra về hành vi không phạm tội hoặc Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế được tôn trọng và bảo vệ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiến nghị trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự 06 tháng cuối năm 2025, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tiếp tục tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác kiến nghị nói chung và công tác kiến nghị trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự nói riêng. Khi phát hiện vi phạm cần chỉ đạo ban hành kiến nghị kịp thời không vì tư tưởng nể nang, muốn giữ gìn mối quan hệ phối hợp mà không kiến nghị làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này.
Thứ hai: Thường xuyên tổ chức triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến công tác kiến nghị, trọng tâm là Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC ngày 05/8/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhằm nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị và thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân; Hướng dẫn số 34/HD-VKSTC ngày 29/11/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự để kháng nghị, kiến nghị; Hướng dẫn số 06/HD-VKSTC ngày 10/02/2025 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xây dựng Báo cáo chuyên đề công tác kiến nghị trong giải quyết án hình sự;… đảm bảo kiến nghị được ban hành đúng quy định pháp luật, thể hiện rõ nội dung vi phạm và những vấn đề cần kiến nghị, được các cơ quan hữu quan chấp nhận.
Thứ ba: Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bản kiến nghị; Viện kiểm sát nhân dân hai cấp cần chủ động phối hợp, đôn đốc, nhắc nhở để cơ quan, tổ chức bị kiến nghị thực hiện nghiêm túc các nội dung cần khắc phục vi phạm theo kiến nghị. Tổ chức phúc tra việc thực hiện kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức bị kiến nghị. Đây là một trong những cơ sở phòng ngừa việc tái diễn tình trạng vi phạm tương tự trong thời gian tới.
Thứ tư: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên tập trung theo dõi, tích lũy, tổng hợp vi phạm từ thực tiễn công tác, ghi chép lại nhật ký vi phạm để có dẫn chứng cụ thể làm nguồn để nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề về công tác kiến nghị.
Thứ năm: Kiểm sát viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nắm vững các quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm các yêu cầu nghiệp vụ theo quy chế, quy định của pháp luật liên quan đến công tác kiến nghị. Chủ động tự học tập nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ nói chung và công tác kiến nghị nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ sáu: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về nhận diện một số vi phạm có thể phát sinh trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án hình sự nhằm nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm và kỹ năng xây dựng bản kiến nghị cho Kiểm sát viên.
Thanh Thảo
Phòng 7, VKSND TP Cần Thơ
Phòng 7, VKSND TP Cần Thơ