Bảo vệ bí mật Nhà nước là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch, bọn tội phạm triệt để lợi dụng công nghệ cao, đồng thời không ngừng gia tăng các hoạt động tình báo, gián điệp nhằm chiếm đoạt, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước, tác động chuyển hóa nội bộ.
Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định: “Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc…”
Căn cứ tính chất, mức độ quan trọng của tin và hậu quả tác hại khi bị tiết lộ, bí mật Nhà nước phân thành 3 loại với 3 độ mật khác nhau (Tuyệt mật, Tối mật và Mật) và căn cứ vào nội dung phản ánh của thông tin bí mật, bí mật Nhà nước được phân chia thành các lĩnh vực khác nhau.
Theo Quyết định số 1180/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật Nhà nước thuộc VKSND, thì tài liệu của Ngành được quy định hai cấp độ Tối mật và Mật. Cụ thể như sau:
- Bí mật Nhà nước độ Tối mật thuộc Viện kiểm sát nhân dân gồm:
1. Báo cáo, văn bản của VKSND xin ý kiến của Quốc hội, cơ quan nhà nước, cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền và văn bản trao đổi với các cơ quan bảo vệ pháp luật về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, phương hướng giải quyết đối với các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
2. Chỉ thị, nghị quyết, phương án, kế hoạch, kết luận, thông báo, văn bản chỉ đạo của VKSND về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chưa công khai.
3. Nội dung, văn bản họp Ủy ban kiểm sát của VKSND các cấp về phương hướng chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
4. Phương án, kế hoạch, báo cáo, văn bản về triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
- Bí mật Nhà nước độ Mật thuộc Viện kiểm sát nhân dân gồm:
1. Kế hoạch, nội dung phối hợp công tác liên ngành của VKSND với các cơ quan có thẩm quyền về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; tội phạm dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chưa công khai.
2. Quan điểm, ý kiến của Kiểm sát viên VKSND tối cao, thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban kiểm sát VKSND cấp cao, kết luận của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao trong quá trình giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa công khai; văn bản trao đổi nghiệp vụ của VKSND với các cơ quan tiến hành tố tụng về việc giải quyết vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
3. Thông tin, tài liệu về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; công tác kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đối với các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, gồm: Phương án, kế hoạch, báo cáo, văn bản về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử chưa công khai; Lệnh, quyết định, văn bản của VKSND trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gia hạn tạm giữ, bắt, tạm giam, khám xét, quyết định việc truy tố chưa thực hiện; Yêu cầu của VKSND về việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; quyết định của Viện kiểm sát nhân dân về việc phê chuẩn, không phê chuẩn, gia hạn, hủy bỏ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; Kế hoạch, báo cáo, văn bản kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự chưa công khai.
4. Thông tin, tài liệu về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của VKSND, gồm: Ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án; Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo chưa công khai; Họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo, người được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo.
5. Thông tin, tài liệu về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, gồm: Kế hoạch kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chưa thực hiện; Báo cáo kết quả kiểm sát; nội dung kết luận kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chưa công khai; Nội dung kháng nghị, kiến nghị của VKSND về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chưa công khai.
6. Nội dung, phương án đàm phán, tiếp xúc cấp cao giữa VKSND tối cao với các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế về hoạt động tương trợ tư pháp hình sự trong giải quyết đối với các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng; vụ việc, vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chưa công khai.
7. Báo cáo của VKSND tối cao với cơ quan đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chủ trương, định hướng lớn liên quan đến tổ chức, hoạt động của VKSND chưa công khai.
Trong thời gian qua, VKSND thành phố Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ bí mật nhà nước vẫn còn tồn tại tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt bí mật Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho công chức, đảng viên để nắm chắc và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; chú trọng nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước. Tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 14/01/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong ngành Kiểm sát nhân dân; Quyết định số 1180/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật Nhà nước thuộc VKSND.
- Kiểm tra, rà soát con dấu, biểu mẫu phục vụ cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; đề xuất bổ sung hoặc thay mới cho đúng quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.
- Quản lý, phát hành văn bản mật, việc sao chép, soạn thảo văn bản chứa bí mật Nhà nước; việc kết nối facebook, zalo, gmail... để chuyển, nhận tài liệu bí mật Nhà nước.
- Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước ở cơ quan, đơn vị mình; định kỳ kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh việc thực hiện công tác này.
- Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành các vă bản hướng dẫn, chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, nhất là việc xây dựng quy chế, nội quy về bảo vệ bí mật Nhà nước của cơ quan, đơn vị.
- Chú trọng công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước trong thông tin liên lạc, trong đăng tải các thông tin trên website của cơ quan, đơn vị. Tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật nhưng phải đảm bảo đúng quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước. Quản lý tốt công chức, nhất là công chức thường xuyên tiếp xúc, nắm giữ bí mật Nhà nươc; công chức đi công tác, học tập ở nước ngoài.
- Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, củng cố, kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ công chức đáp ứng tiêu chuẩn về chính trị, trình độ, năng lực, đặc biệt là những người làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và làm việc tại các bộ phận quan trọng, thiết yếu; thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm về bảo vệ bí mật Nhà nước cho công chức, đảng viên.
- Quán triệt, thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin; quản lý chặt chẽ thực hiện việc đăng, tải tin, bài viết trên trang tin điện tử của Ngành, việc sử dụng các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay.
- Thực hiện đúng quy định về xây dựng, ban hành văn bản có nội dung bí mật Nhà nước từ khi đề xuất, trình duyệt, xác định độ mật, in sao, phát hành, bảo quản, lưu trữ tài liệu mật. Việc soạn thảo văn bản mật phải thực hiện trên máy vi tính không kết nối Internet. Các văn bản mật phải chuyển qua đường cơ yếu và theo pháp luật quy định, không được trao đổi thông tin có nội dung bí mật trên các phương tiện liên lạc không bảo mật.
- Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Thực hiện việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí về việc bảo vệ bí mật Nhà nước đúng quy định của Pháp luật và Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 313/QĐ-VKSTC ngày 04/7/2018 của VKSND tối cao về việc phát ngôn và cung cấp thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân.
- Việc bảo đảm bí mật trong thông tin liên lạc và thông tin đại chúng cần lưu ý: Đường truyền Internet phải được bảo mật để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Mọi nội dung thuộc bí mật Nhà nước trong ngành Kiểm sát nhân dân đều phải mã hóa chuyển qua đường cơ yếu. Mọi trường hợp trao đổi, cung cấp thông tin có nội dung bí mật Nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và phải chịu trách nhiệm đối với việc cung cấp thông tin.
- Tập trung đầu tư cơ sở vật chất bố trí kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước đảm bảo mỗi cơ quan, đơn vị phải bố trí ít nhất 01 máy tính, máy in, máy hủy tài liệu thiết bị lưu trữ (USB, ổ cứng, đĩa CD…) dùng riêng, không kết nối mạng trừ trường hợp theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, việc bảo vệ bí mật nhà nước càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỗi công chức, Kiểm sát viên cần nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo mật để góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và giữ vững sự ổn định của đất nước; bảo vệ bí mật của Ngành, của cơ quan, đơn vị. Bằng cách cùng nhau chung tay, chúng ta có thể đảm bảo rằng các bí mật nhà nước luôn được bảo vệ an toàn, bất kể những thách thức và nguy cơ từ không gian mạng.
Phạm Hương
VKSND thành phố Cần Thơ