Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đã được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước kiềm chế được các vi phạm, tội phạm về ma túy. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, các vụ án về ma túy xảy ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ phần lớn là Tàng trữ, Vận chuyển, Mua bán nhỏ lẻ, không tạo thành đường dây, không có tổ chức. Các đối tượng phạm tội chủ yếu thường là đối tượng nghiện, mua bán với nhau nhằm mục đích kiếm lời và để có ma túy sử dụng cho bản thân và hầu hết các vụ án này đều bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc khẩn cấp.
Đối tượng tham gia vụ án thường có nhiều bị can cùng tham gia với phương thức mua, bán ngày càng tinh vi hơn, hoạt động của các đối tượng phạm tội thường xuyên thay đổi, thời gian, địa điểm, phương thức, dùng ám hiệu, tiếng lóng với nhau, thậm chí còn chuẩn bị cả điều kiện để tẩu tán tang vật, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, có trường hợp khi bị phát hiện bắt giữ, đối tượng liền quanh co chối tội cho rằng không có hành vi mua bán hoặc tàng trữ, số thuốc (ma túy) bị thu giữ không phải của bản thân. Do đó, trong quá trình kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên cần phải có kinh nghiệm nhất định trong việc kiểm sát các hoạt động tố tụng của Điều tra viên nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật.
* Kinh nghiệm kiểm sát một số hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra:
Các vụ án về ma túy có đồng phạm cùng tham gia thường khi khởi tố vụ án chỉ bắt được 01 hoặc 02 đối tượng. Sau đó, các bị can khác được khởi tố điều tra theo lời khai của các bị can đã bị bắt, lời khai nhân chứng khác. Trong trường hợp này, quá trình điều tra đòi hỏi Kiểm sát viên phải bám sát hồ sơ, nắm chắc nội dung vụ án, có sự thống nhất cao với Điều tra viên trong việc đánh giá chứng cứ, khẩn trương đề ra yêu cầu điều tra và kế hoạch để xác minh, khám xét, thu thập chứng cứ làm căn cứ cho việc khởi tố, phê chuẩn khởi tố và các biện pháp tố tụng tiếp theo.
Trong quá trình ban đầu thường có đối tượng khi nhận tội, khi không nhận tội, khai báo không rõ ràng, thậm chí có trường hợp đối tượng không đồng ý trả lời trong các buổi làm việc, không hợp tác, nhằm mục đích, đang suy nghĩ tìm cách đối phó. Cho nên, để xem xét, đánh giá chứng cứ ban đầu, tránh trường hợp trong quá trình điều tra các bị can thay đổi lời khai, thì Kiểm sát viên cần yêu cầu ngay Điều tra viên cho người bị bắt, người bị tạm giữ viết bản tự khai… Kiểm sát viên cũng cần phải khẩn trương, tích cực phối hợp với Điều tra viên để trực tiếp gặp hỏi người bị bắt, bị tạm giữ và hỏi cung bị can.
Chứng cứ ban đầu thường là biên bản phạm tội quả tang, biên bản khám xét khẩn cấp, biên bản ghi lời khai của người mới bị bắt, bị tạm giữ, người chứng kiến… đây là những chứng cứ, tài liệu rất quan trọng đối với việc giải quyết các vụ án về sau. Do đó, Kiểm sát viên cần phải xem xét, đối chiếu kỹ từ việc điều tra, phát hiện, thu giữ vật chứng, lời khai của đối tượng bị bắt đến các lời khai, tường trình của người chứng kiến, kể cả việc kiểm tra, phát hiện, thu giữ vật chứng để phát hiện sai sót (nếu có), để khắc phục kịp thời.
Quá trình bắt giữ các đối tượng có liên quan đến tội phạm ma túy, thì thường xuyên gắn liền với hoạt động khám xét người, phương tiện hoặc nơi ở của đối tượng để thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật có liên quan. Đây là việc làm rất quan trọng nhằm để thu thập chứng cứ, xác định tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của đối tượng và còn bảo đảm cho quá trình điều tra tiếp theo. Vì vậy, khi khám xét phát hiện có vật chứng nghi ma túy thì Cơ quan điều tra phải tiến hành lập biên bản thu giữ vật chứng, niêm phong và phải có chữ ký của người lập biên bản, người bị thu giữ vật chứng, người làm chứng, người chứng kiến việc khám xét và các thành phần tham gia khám xét. Trường hợp vật chứng khi thu giữ của nhiều đối tượng, thu giữ ở nhiều nơi phải được niêm phong riêng từng loại, từng đối tượng, mô tả chi tiết từng nơi phát hiện thu giữ, để đảm bảo cho việc giám định, xác định loại ma túy, trọng lượng, khối lượng ma túy…Việc thu giữ vật chứng phải kịp thời, chính xác và tỉ mỉ, phải bảo đảm tính khách quan, đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt nhưng cũng không được thu giữ một cách tràn lan các đồ vật không có liên quan, đồ vật không mang dấu vết tội phạm.
Tóm lại, trong quá trình khám xét, việc thu giữ, tạm giữ, vật chứng trong các vụ án ma túy rất đa dạng, như: các loại tiền, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc phạm tội, vật chứng nghi là chất ma túy, vật chứng khác có liên quan đến hành vi phạm tội… Trong quá trình kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ kết quả trong biên bản khám xét, vật chứng thu giữ, không chủ quan bỏ qua những vật chứng nhỏ nhất như số điện thoại hoặc các số máy còn lưu giữ trong máy điện thoại đã thu được của đối tượng, trên thực tế một số vụ án mở rộng điều tra đã khởi tố thêm nhiều bị can, thông qua từ việc khai thác các dữ liệu tin nhắn, số điện thoại lưu trong máy của các đối tượng…
Ảnh tư liệu (KSV tham gia xét xử các vụ án ma túy tại phiên Tòa).
* Kinh nghiệm phòng ngừa oan sai, chống bỏ lọt tội phạm:
- Giai đoạn kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, khi nắm được đầy đủ các vụ việc ngay từ khi phát hiện; kiểm sát chặt chẽ việc thu giữ vật chứng nghi chất ma túy; nghiên cứu kỹ tài liệu ban đầu như biên bản bắt người phạm tội quả tang, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, lời khai ban đầu của đối tượng bị bắt, lời khai của nhân chứng. Đồng thời, nhanh chóng nhận diện loại ma túy, tiền chất ma túy mới chưa có trong danh mục quy định, loại ma túy chưa có mẫu so sánh, loại ma túy tổng hợp có chứa nhiều chất ma túy không cùng nhóm để kịp thời xử lý theo quy định.
- Trong giai đoạn kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên khi được phân công kiểm sát điều tra, cần kiểm tra chặt chẽ về mặt thủ tục, căn cứ bắt, tạm giữ, tạm giam. Nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ do Cơ quan điều tra thu thập được, trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp gặp hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can để đảm bảo việc bắt, tạm giữ, tạm giam được thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Khi nghiên cứu, phải chú ý đến các chứng cứ buộc tội và gỡ tội, cho bị can viết bản tường trình tự khai hành vi phạm tội, chú ý tới các lời khai tố giác đồng phạm hoặc người phạm tội khác chưa bị phát hiện khởi tố, điều tra, trao đổi, yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, điều tra mở rộng vụ án. Khi đề xuất xét phê chuẩn thì Kiểm sát viên cần trích cứu lời khai, khi đề xuất phải thể hiện đầy đủ quan điểm đánh giá chứng cứ qua nghiên cứu hồ sơ nêu lên đề xuất của bản thân để trình Lãnh đạo Viện cho ý kiến chỉ đạo. Khi đủ căn cứ truy tố, tổng hợp nội dung vụ án, giải quyết các vấn đề vướng mắc (nếu có) đánh giá tài liệu chứng cứ, chứng minh tội phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xác định điều luật, khung hình phạt áp dụng…
- Trong giai đoạn xét xử, Kiểm sát viên tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, các tài liệu chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ vụ án đảm bảo khách quan, có căn cứ theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự, làm rõ các tình tiết của vụ án, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm Hình sự cho bị can để từ đó kết luận, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt đối với các bị cáo đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật./.
Trương Hoài Phong
Phòng 1, VKSND TP Cần Thơ