Trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tình hình tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình ngày càng tăng và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước tình hình đó, yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong lĩnh vực này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự đúng pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 18/10/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao, về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, VKSND thành phố Cần Thơ xác định công tác kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình là một trong những những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của đơn vị, đồng thời thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khâu công tác này, trong đó có công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.
Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm là một trong những giải pháp đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình tại đơn vị; đây cũng là một trong những biện pháp tào tạo, bồi dưỡng tại chỗ đối với công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát án dân sự.
Tính từ đầu năm đến nay, hai cấp kiểm sát của VKSND thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Tòa án hai cấp lựa chọn, đưa ra xét xử 43 phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm; trong đó cấp huyện 36 phiên tòa, cấp tỉnh 07 phiên tòa. Các vụ án được lựa chọn xét xử rút kinh nghiệm đều là những vụ án có tính chấp phức tạp, tranh chấp điển hình, xảy ra phổ biến ở địa phương hoặc những vụ án có nhiều người tham gia tố tụng.
Bà Đỗ Thị Hồng Nhi - Kiểm sát viên Phòng 9 VKSND Tp. Cần Thơ tham gia phiên tòa
Sau mỗi phiên tòa, việc tổ chức họp rút kinh nghiệm được thực hiện nghiêm túc nhằm đánh giá lại những ưu điểm, khuyết điểm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm; từ đó giúp cho Kiểm sát viên tham gia phiên tòa và công chức, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa rút ra những kinh nghiệm về công tác kiểm sát hoạt động tố tụng tại phiên tòa, cách thức hỏi làm rõ nội dung vụ án, kỹ năng xử lý tình huống tại phiên tòa… nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát đối với những vụ án, tình huống tương tự trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giúp Kiểm sát viên tham gia phiên tòa nhìn nhận những mặt làm được, những hạn chế để có biện pháp khắc phục, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời có kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp.
Có thể nói, việc tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần phục vụ công tác tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, hướng đến mục tiêu lâu dài là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Kiểm sát viên chuyên sâu, có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực dân sự, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tiễn./.
Nguyễn Văn Phi
Phòng 9, VKSND TP Cần Thơ