Thành phố Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi tập trung đông dân cư; nền kinh tế phát triển trên nhiều lĩnh vực, do đó tình hình tranh chấp về lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, lao động xảy ra nhiều. Số lượng án do Cơ quan điều tra, Tòa án thụ lý giải quyết ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về nội dung tranh chấp; nên có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo việc Tòa án chậm đưa vụ án ra xét xử; khiếu nại bản án sơ thẩm, phúc thẩm dân sự của Tòa án các cấp chưa đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của đương sự; khiếu nại về việc chậm thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra.
Trong những năm qua, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp; xác định công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tư pháp là một trong những nhiệm vụ cấp bách, được chỉ ra tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố; Quy định số 11-Qđi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Căn cứ vào Quy chế về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC-V12 ngày 22/06/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định số 242/QĐ-VKSTC ngày 26/7/2021 Quyết định ban hành nội quy tiếp công dân của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nhằm thực hiện phù hợp với điều kiện từng địa phương, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-VKS ngày 05/10/2021 Quyết định ban hành nội quy tiếp công dân của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố. Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ luôn quan tâm đến việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp; đã tổ chức nhiều Hội nghị quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị đến toàn thể lãnh đạo và công chức các đơn vị trực thuộc và lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân và các hướng dẫn thi hành trong các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm để chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân 02 cấp thành phố Cần Thơ quan tâm bố trí Kiểm sát viên, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn thực hiện công tác tiếp công dân; phòng tiếp công dân được bố trí riêng biệt, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác để phục vụ tốt cho việc tiếp dân. Nơi tiếp công dân có niêm yết nội quy, lịch tiếp công dân định kỳ của Viện trưởng (hoặc phân công Lãnh đạo Viện) và có mở sổ ghi chép đầy đủ theo dõi phản ánh những thông tin của người dân. Đồng thời tập trung chỉ đạo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, vai trò lãnh đạo điều hành của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài cũng như vai trò tham mưu trong việc tiếp dân, xử lý đơn của cán bộ, Kiểm sát viên. Cuối năm đều có kiểm điểm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để rút kinh nghiệm chung. Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, việc khiếu nại, tố cáo có đông người tham gia, gây mất an ninh trật tự hoặc khiếu nại bức xúc trở thành điểm nóng không xảy ra.
Từ thực tiễn kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp rút ra kinh nghiệm, giải pháp, đề xuất như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo hơn nữa đến công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp, khi phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi tiến độ yêu cầu công chức nghiệp vụ báo cáo kết quả giải quyết kịp thời theo đúng thời hạn quy định.
Thứ hai, Kiểm sát viên, công chức được giao thực hiện công tác tiếp công dân; kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thường xuyên nghiên cứu Luật, văn bản quy định về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời rèn luyện kỹ năng ứng xử linh hoạt nhằm kịp thời giải thích, hướng dẫn xoa dịu những bức xúc của người đến khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba, cần có sự nhận thức đầy đủ, đúng pháp luật về thẩm quyền, quy trình, nội dung giải quyết; trước khi thực hiện chúng ta phải nghiên cứu lại các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết khiếu nại tránh dẫn đến sai sót trong việc xác định thẩm quyền, quy trình giải quyết; khi tiến hành giải quyết, cán bộ được phân công cần nghiên cứu quy định pháp luật cụ thể để xác định đúng các bước cần phải tiến hành, tránh sai sót. Cần quan tâm chú trọng đến công tác đối thoại, giải thích pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là phải đảm bảo thành phần tham gia đối thoại, người được phân công thụ lý giải quyết đơn cần nắm chắc các quy định pháp luật có liên quan và nội dung khiếu nại để giải thích cho người khiếu nại hiểu rõ được các quy định của pháp luật; đồng thời có phương pháp đối thoại mềm dẻo, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, có kỹ năng giao tiếp cơ bản để đảm bảo giải quyết triệt để nội dung khiếu nại, hạn chế việc khiếu nại vượt cấp, nâng cao uy tín của các cơ quan tư pháp.
Thứ tư, đề cao tinh thần phối hợp trong công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo. Do công tác giải quyết khiếu nại thường phát sinh ở nhiều lĩnh vực khác nhau như trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Do vậy, giữa bộ phận làm công tác tham mưu giải quyết đơn và bộ phận làm công tác nghiệp vụ phải có sự phối hợp chặt chẽ, từng đơn vị, từng bộ phận thực hiện đúng trách nhiệm phối hợp của mình để cùng tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết đạt chất lượng tốt nhất.
Võ Văn Tùng
Thanh tra- Khiếu tố